Bán rượu bia theo khung giờ: Liệu có khả thi?
- Sức khỏe
- 01:40 - 22/04/2018
Trong dự thảo mới nhất về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian được bán rượu, bia. Cụ thể, phương án 1 chỉ được bán rượu bia từ 11 - 14h và từ 17 - 22h hàng ngày. Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia từ 6 - 22h (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo cũng đưa ra quy định địa điểm công cộng không được bán rượu như: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan tổ chức doanh nghiệp; trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, tỉnh lộ.
Cấm giờ này, dân sẽ uống giờ khác
Mang những thông tin mới nhất về khung giờ bán rượu bia để hỏi chuyện anh Hùng, chủ một cửa hàng bán bia trên đường Đội Cấn, anh cười cho biết: tôi cũng nghe nói có phương án cấm sau 22h nhưng các bác cấm cứ cấm, dân có nhu cầu thì chúng tôi vẫn phải bán thôi. Kinh doanh mà cấm bán vào giờ đó thì có mà chúng tôi chỉ có nước đóng cửa hàng…
Cấm bán rượu bia sau 22h- vấn đề mà anh Hùng nêu ra cũng là một trong những điểm gây tranh cãi nhất hiện nay. Theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) các nghiên cứu cho thấy, 20h - 24h là lúc cơ địa con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì chúng ta lại vui chơi và uống chất kích thích. Điều này nếu tích lũy lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt tác động lớn đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch. Uống vào giờ đó mà tiếp tục tham gia giao thông thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, một ví dụ điển hình về tác hại của việc uống rượu bia sau 22h là sự việc người lái xe bán tải đã kéo lê xe máy hàng trăm mét trên phố Ô Chợ Dừa (Hà Nội) diễn ra ngày 11/4 vừa qua.
Tuy nhiên, Theo quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, nhưng việc đưa ra quy định về khung giờ bán rượu bia là không khả thi, không thể tư duy theo kiểu không quản được thì cấm.
“Theo tôi các phương án mà Bộ Y tế đưa ra về việc bán rượu bia theo giờ đều không khả thi. Nếu cấm cũng chẳng thể cấm được. Cấm giờ này người kinh doanh sẽ bán giờ khác, người dân đi uống giờ khác, tác hại của nó vẫn không thay đổi.Tôi lấy ví dụ, về mặt y khoa, nếu uống sau 10h đêm là có hại cho sức khỏe, nên Bộ Y tế đề xuất nên cấm bán rượu bia sau giờ này. Tuy nhiên, nếu để uống rượu bia vào ban ngày thì hệ quả còn lớn hơn. Có thể người dân sẽ đi uống trong giờ hành chính, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến giờ làm việc, chất lượng làm việc”- Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.
Khung giờ cấm bán bia gây khá nhiều tranh cãi
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, người sử dụng lao động làm việc tại các địa điểm bán lẻ rượu, bia phải tổ chức tập huấn cho người lao động về tác hại của rượu, bia; khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp; cách nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng, hay người mua rượu phải trên 18 tuổi…
Với những quy định này, nhiều người cho rằng yêu cầu người bán lẻ phải “nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng” khá mơ hồ bởi với lái xe, để kiểm soát sử dụng rượu bia còn phải căn cứ qua kiểm tra nồng độ cồn, nhưng với người có biểu hiện say thì rất không rõ ràng, lấy tiêu chí nào làm chuẩn cho người say. Hay trẻ dưới 18 tuổi không được mua rượu thì ai sẽ là người kiểm tra hay mỗi khi mua rượu phải trình chứng minh thư?
Làm khó cho người kinh doanh
TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và dẫn ví dụ ở những khu vui chơi giải trí, những nơi đang phát triển dịch vụ du lịch, thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế, nếu hạn chế vào các khung giờ thì vấn đề đặt ra là liệu khách du lịch đi từ xa tới họ sẽ cảm thấy thế nào khi muốn nghỉ ngơi, giao lưu cùng bạn bè.
“Theo tôi, quy định về khung giờ tại Dự thảo này là chưa phù hợp. Không nên có công thức nào để “cấm đoán” như vậy nhất là “cấm đoán” đối với mọi dich vụ sẽ hạn chế với ngành du lịch, và không phù hợp với những nơi kinh doanh như quán bar, vũ trường khi được phép mở đến khung giờ muộn. Cho phép người ta mở tới khung giờ nào phải cho họ bán rượu bia tới giờ đó. Bộ Y tế nên thảo luận, xem xét cùng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có phương án phù hợp nhất”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Đối với cấp chính quyền, nếu Dự thảo đưa ra quy định này phải có lực lượng giám sát, kiểm tra. Đây là điều, theo TS. Lê Đăng Doanh, các cơ quan quản lý phải tính tới, và lực lượng kiểm tra, giám sát họ có năng lực làm việc đó hay không.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng cần phải lựa chọn phương án nào phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu quy định bán rượu bia tới 22h sẽ hơi sớm, nhất là có một số phố buôn bán đêm nên chăng khung giờ nên muộn hơn.
“Sẽ chọn phương án nào tạo điều kiện bán hàng đêm cho người bán. Hơn nữa, trong mọi tình huống, ngoài việc quy định giờ bán cũng phải quy định đối tượng bán.Quan trọng hơn phải có sự kiểm soát chất lượng để không tạo ra các vụ ngộ độc rượu, hay buôn bán những sản phẩm không được phép”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Các quán bia thường khá đông vào buổi đêm
Ai sẽ là người kiểm tra, giám sát?
Với câu hỏi này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết: “Quy định về giờ bán rượu đã được nhiều quốc gia thực hiện. Nếu quy định này được đưa vào luật để thực thi thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Ví dụ như lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông sẽ thêm giám sát giờ bán rượu chứ không phải lại tổ chức thêm một lực lượng đi thanh tra kiểm tra”.
Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến mà Bộ Y tế đưa ra bởi theo các chuyên gia kinh tế, việc giám sát thực hiện sẽ là rất khó khăn khi mà lực lượng quản lý thị trường đang rất mỏng, ngay với công việc hiện nay còn đang quá tải. Quy định này, nếu áp dụng với cán bộ, công chức thì đơn giản hơn, nhưng nếu với toàn dân thì sẽ khác. Quy định như vậy rất khó quản lý cho địa phương. Chính quyền có thể tuyên truyền nhắc nhở nhưng không có đủ cán bộ để đứng đó canh xem họ có tuân thủ không. Vả lại, giờ đó là hết giờ làm hành chính rồi, nếu cần lực lượng chức năng sẽ phải sinh ra một giờ làm việc khác, kéo theo cơ chế chính sách ngoài giờ và nhiêu vấn đề liên quan.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội thì cho rằng, với hàng quán số lượng quá nhiều, đa dạng chủng loại như Hà Nội hiện nay, lực lượng chức năng sẽ không thể quản lý hết. Vì thế, cần một cơ chế cụ thể để những quy định đặt ra được thực thi nghiêm túc mới thể hiện được tính đúng đắn của chính sách.
Nhiều người tỏ ra lo ngại sau những giờ quy định thì việc bán rượu, bia sẽ được chuyển từ bán công khai sang bán kín. Từ đó liệu với những giải pháp được đề xuất trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có đủ sức ngăn chặn những hậu quả của “ma men” nếu ý thức sử dụng đồ uống có cồn của người dân vẫn chưa thay đổi? Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp bền vững nhất là cần tập trung làm thay đổi ý thức sử dụng rượu, bia văn minh hơn trong mỗi người dân. Tiếp đó, cần đề xuất phương án đánh thuế thật cao với mặt hàng này, thay vì đưa ra quy định về bán theo giờ. “Tôi nghĩ nên đánh vào túi tiền để người dân phải uống ít đi. Việc mua bia rượu ở Việt Nam hiện nay quá dễ dàng, giá lại rẻ. Nếu đánh thuế rượu bia cao, người dân xót tiền sẽ uống ít đi, mà Nhà nước cũng tăng nguồn thu từ tiền thuế”- Luật sư Bùi Đình Ứng kiến nghị.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
3 tháng trước
Tin nên đọc