Bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 cho hàng triệu lao động
- Tây Y
- 18:10 - 14/06/2019
Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2020
Đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng
Thành phần Hội đồng tiền lương Quốc gia tham dự phiên họp đầu tiên gồm: Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI, Liên minh Hợp tác xã, chuyên gia độc lập…
Theo thông tin từ một thành viên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, đây là cuộc họp đầu tiên để đại diện các bên nêu quan điểm, trình bày các nghiên cứu, phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Dự kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải họp thêm 1-2 phiên nữa để các bên thương lượng, trao đổi đi đến thống nhất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020.
Được biết tại phiên họp này, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020.
Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng hiện hành, tức tăng 120.000-200.000 đồng.
Phương án 2 tăng bình quân 4%, tức tăng 70.000-170.000 đồng tùy từng vùng.
Phương án 3 tăng bình quân 6%, tức 140.000-240.000 đồng tùy từng vùng.
Tăng lương tùy vào "sức khỏe" doanh nghiệp
Theo báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây cho thấy, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động.
Đơn cử như trong ngành may, có đến 99% thu nhập người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của Sàn lương châu Á (AFW).
Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.
Còn theo các khảo sát, đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, lương tối thiểu mới đáp ứng 95% nhu cầu sống tối thiểu.
Vì thế, năm 2020, lương tối thiểu vùng vẫn phải tiếp tục tăng để đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, để đảm thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong kỳ đàm phán lương tối thiểu vùng diễn ra lần này, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ phải tăng cao hơn mức 5,3%.
Trao đổi với các cơ quan báo chí trước giờ đàm phán, đại diện Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay, kết quả đàm phán lương tối thiểu mùa trước đã giúp tăng lương tối thiểu năm 2019 đạt khoảng 95 % mức sống tối thiểu của người lao động.
Năm nay, căn cứ vào các yếu tố kỹ thuật, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Phương án : Xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 47/53 - tương ứng với tỷ lệ của Philippin, tương ứng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 7,06 %.
Phương án 2: Tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 46,5/53,5, tương ứng với mức tăng 8 %.
Trái với quan điểm từ phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khá thận trọng trong việc đưa ra quan điểm điều chỉnh tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2020.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, trong các cuộc hội thảo về chính sách tiền lương, đa số các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đề nghị VCCI không nên tăng lương tối thiểu vùng.
Thực tế, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng được đề xuất là 5,3%.
Cụ thể: 72,5 % doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6 %; 2,1 % doanh nghiệp tăng 5,9%. Cho nên, doanh nghiệp không muốn điều chỉnh lương tối thiểu vùng nữa mà dành chi phí đó cho những thương lượng tập thể như tiền thưởng hoặc để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nêu quan điểm của mình, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, VCCI đồng ý với việc cần phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức điều chỉnh như thế nào thì phải xem xét kỹ càng để làm sao để bảo đảm khả năng chi trả của doanh nghiệp mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Theo các chuyên gia lao động, hàng năm vào dịp thương lượng tiền lương tối thiểu thì mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau. Điều này đã tạo nên sự tranh cãi căng thẳng giữa các bên, cũng như khó khăn chung cho Hội đồng Tiền lương quốc gia trong quá trình đàm phán.
Quá trình thương lượng lương tối thiểu nhiều năm, đại diện phía người lao động luôn tập trung đấu tranh, bảo lưu quan điểm mức lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại cho rằng tăng lương liên tục sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh. Cho nên, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng phải tính đến "sức khỏe" của doanh nghiệp.
Vì vậy, để hài hòa được lợi ích của cả người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, bộ phận kỹ thuật cần thống nhất được cách tính chung, đưa ra căn cứ cụ thể để xác định nhu cầu sống tối thiểu thì mức để xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng mới có thể tiệm cận nhau.
Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp cụ thể: Vùng I là 4.180.000 đồng/tháng; vùng II là 3.710.000 đồng/tháng; vùng III là 3.250.000 đồng/tháng và vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng. |