Bản làng người H’mông tách biệt với thế giới bên ngoài
- Y học 360
- 22:32 - 22/03/2017
Là xã nghèo nhất của một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, có thể nói bao đời nay cuộc sống khó khăn vẫn luôn bám đuổi những người dân nơi đây. Nơi chúng tôi nói đến ở đây là xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Vượt quãng đường 30km từ thị trấn Bắc Yên đến trung tâm xã Háng Đồng, giúp chúng tôi hiểu được thế nào là những cung đường vùng cao Tây Bắc, con đường nhỏ gồ ghề quanh co một bên là sườn núi một bên là vực sâu thăm thẳm, có những nơi đất đá đã sạt đến mép đường. Song, đó mới chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình, nơi chúng tôi sẽ đến là thôn Háng Đồng C còn cách trung tâm xã gần 30km là bản làng xa nhất của xã, nằm sâu trong những tán rừng già nơi toàn bộ người dân đều là đồng bào dân tộc H’mông sinh sống.
Theo chân anh A Khư một người dân bản địa, chúng tôi bắt đầu di chuyển từ trung tâm xã Háng Đồng bằng xe máy. Song, chỉ đi được 10km chúng tôi đành phải bỏ xe lại bìa rừng. Bởi những con đường nơi đây rộng chưa đầy nửa mét chỉ có một vết xe qua, phải băng qua suối và dốc đá và chỉ có những người dân trong bản với những chiếc xe Win được cuốn thêm xích vào bánh sau mới có thể di chuyển được.
Xuống xe khoác đồ đạc lên vai chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình bằng chính đôi chân của mình. Đang đi trong rừng bỗng nhiên có những tiếng động ở phía sau, vượt lên chúng tôi là một nhóm gần chục em học sinh người dân tộc H’mông đang trên đường về bản. Vì hôm nay là thứ bảy, các em học sinh ở nội chú dưới xã được nghỉ, nên đi bộ về với gia đình. Anh A Khư cho chúng tôi biết do chỉ có trường học ở trung tâm xã, nên từ cấp 1 đến cấp 2 các em vẫn phải đi bộ quãng dường rất xa gần 30 km từ bản đến trường. Các em ở nội trú rồi đến cuối tuần lại đi bộ về bản. Những em nhỏ người H’mông mới chỉ 14 – 15 tuổi trên vai có một chiếc túi sách và đi đôi dép tổ ong nhanh chóng vượt qua chúng tôi.
Sau nửa ngày đường chúng tôi cũng đến được bản làng của người H’mông tại thôn Háng Đồng C. Những ngôi nhà của người H’mông nằm dải rác trên những vách núi treo leo, cách nhau khá xa và không tập trung như các bản làng của dân tộc khác. Ở nơi tận cùng của sự xa xôi hẻo lánh, cuộc sống của những người dân nơi đây cũng trở nên tách biệt với bên ngoài. Theo anh A Sáy một người dân trong bản cho biết “ Trước đây Háng Đồng còn chưa tách xã mà vẫn thuộc Tà Xùa, thì nhiều người dân trong bản cả đời cũng không bao giờ đi đến trung tâm xã. Phụ nữ và người già trong bản thì hoàn toàn không biết nói tiếng phổ thông”.
Để đi vào bản hoàn toàn không có đường chỉ men theo những lối mòn trong rừng. Chỉ đến năm 2007 mới có chủ trương vận động dân bản và thanh niên xã mở con đường đất nhỏ đủ để xe máy có thể vào. Tuy nhiên, con đường nhỏ gồ ghề băng qua rừng và những triền núi cao, chỉ có người bản địa quen đường và đầy bản lĩnh có thể đi qua nhưng cũng rất chật vật, không ít những cú ngã bên bờ suối hay trôi xe trên dốc dài vô cùng nguy hiểm. Còn vào mùa mưa tháng 7, tháng 8 những con đường trơn lầy không thể di chuyển được, thôn Háng Đồng C lại hoàn toàn bị biệt lập với thế giới bên ngoài.
Chúng tôi dừng chân ở nhà của vợ chồng Mùa A Chua, sinh năm 1993 song A Chua có dáng vẻ bên ngoài già dặn hơn rất nhiều so với cái tuổi của mình. Trong khi đó vợ của A Chua còn không nhớ rõ mình năm nay bao nhiêu tuổi. Căn nhà gỗ nhỏ của vợ chồng A Chua cũng giống như 14 bốn hộ dân khác trong thung lũng này thiếu thốn đủ thứ. Không điện, không tivi, không sóng điện thoại, internet lại càng không. Trong căn nhà cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc máy may cũng kỹ được vợ A Chua sử dụng để may vá quần áo trong nhà.
Tiếp đón chúng tôi bên bếp lửa hồng ở giữa nhà, nhâm nhi bát nước trà rừng vừa đun A Chua chia sẻ về cuộc sống hàng ngày vợ chồng mình. Ngày ngày vợ chồng A Chua đi rừng nương làm rẫy, ở đây không có nghề gì khác ngoài đi nương đi rừng. Thức ăn trong nhà thì đã có rau rừng, cá suối phơi khô, trong khi đó đàn lợn thả rông quanh nhà chỉ được dùng để tiếp đãi khách đến nhà. Mọi nhu cầu của cuộc sống cũng hoàn toàn tự cung tự cấp vẫn diễn ra như bao đời nay. Cũng bởi đường xá xa xôi và đi lại vô cùng khó khăn nên hạn hữu lắm A Chua mới ra trung tâm xã để mua những vật dụng thiết yếu.
Người dân thôn Háng Đồng C hầu như không biết đến bệnh viện và trạm xá. Những câu chuyện về người phụ nữ H’mông đi nương rồi tự sinh con trong rừng đem về là điều hết sức bình thường với người dân nơi đây.Những đứa trẻ trong bản vẫn lớn lên như cây cỏ trong rừng với bản năng sinh tồn mãnh liệt. Họ chủ yếu sống dựa vào những kinh nghiệm cha ông để lại, sử dụng cây thuốc rừng để chữa bệnh và nếu không thì là đến thầy mo cúng bái.
Đêm hôm đó, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng A Chua những cơn mưa rừng xối xả khiến cho mái nhà bằng gỗ của đồng bào H’mông dột tứ tung. Trong cái không gian tĩnh mịch giữa núi rừng, gió lạnh cùng với những hạt mưa bắn tung tóe khắp người khiến những người khách xa như chúng tôi không sao ngủ được.
Khi bình minh đã hé sáng chúng tôi rời bản làng của người H’mông tại thôn Háng Đồng C với một chút tiếc nuối về những cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, cuộc sống chất phác người dân nơi đây. Nhưng đâu đó còn là những trăn trở về cuộc sống với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và cách trở mà đồng bào dân tộc H’mông nơi đây đang gặp phải.