CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Ban Kinh tế Trung ương: Sáng tạo, bản lĩnh và tầm nhìn

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và địa phương.

Về phía Ban Kinh tế Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương: Sáng tạo, bản lĩnh và tầm nhìn - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Năm 2020 hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị

Với vai trò là cơ quan tham mưu của BCH Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định các chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Qua đó tham mưu để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương lớn, quan trọng về phát triển kinh tế ngành và kinh tế địa phương.

Cụ thể: Trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Trong năm 2020, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ cơ quan đã tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng 7 đề án quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị;

Thực hiện theo sự phân công của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng, góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng;

Chủ trì nghiên cứu, hoàn thành xây dựng chuyên đề "Các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025".

Trong đó đã đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2011 - 2015, đề xuất nội hàm quan điểm phát triển trong 5 năm, 10 năm tới.

Ban Kinh tế Trung ương đã có nhiều lượt tham gia ý kiến đối với dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở nước ta, Ban Kinh tế Trung ương đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình và tác động của dịch bệnh, những diễn biến, xu hướng kinh tế thế giới để chủ động nghiên cứu, xây dựng các Báo cáo chuyên đề…

Ban Kinh tế Trung ương: Sáng tạo, bản lĩnh và tầm nhìn - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã có 111 văn bản thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị; 102 văn bản tham gia ý kiến với các bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương chủ động, chủ trì, tham mưu công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả…

Một số thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 5 năm (2016 - 2020)

Kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương năm 2020 và cả chặng đường 5 năm qua có thể khái quát bằng 3 chữ "toàn diện" (đó là, toàn diện về thực hiện chức năng và nhiệm vụ, toàn diện về lĩnh vực, toàn diện về phạm vi).

Trong đó, riêng về công tác nghiên cứu, tham mưu chủ trương, chính sách, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII.

Không chỉ thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia góp ý kiến đối với hàng trăm đề án, báo cáo, văn bản quan trọng trình BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

 Những thành tích đạt được của Ban Kinh tế Trung ương năm 2020 nói riêng và 5 năm 2016 - 2020 nói chung đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 6%/năm), quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần,đứng thứ 4 trong ASEAN, năng suất lao động tăng cao (bình quân 5,8%/năm), kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn;

Môi trường kinh doanh cải thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện một bước quan trọng, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.

Những thành tựu trên khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn và vai trò, hiệu quả lãnh đạo to lớn của Đảng, trong đó có các chủ trương, chính sách do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành trong thời gian qua.

Phương hướng, nhiệm vụ 2021 và giai đoạn tiếp theo

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030.

Vì vậy, phương châm chung là phải bám sát định hướng phát triển kinh tế- xã hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, chức năng và nhiệm vụ đặc thù của Ban Kinh tế Trung ương, phát huy tối đa tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, nỗ lực và quyết liệt ngay từ đầu năm. Tôi xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội. Đây là giá trị cốt lõi và lý do tồn tại chủ yếu của Ban Kinh tế Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương 6 đề án; Bộ Chính trị 41 đề án; Ban Bí thư 5 đề án để ban hành các nghị quyết, kết luận về lĩnh vực kinh tế; trong đó năm 2021 có 2 đề án trình Ban Chấp hành TW, 13 đề án trình Bộ Chính trị và 2 đề án trình Ban Bí thư.

Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương thực hiện sơ kết, tổng kết chủ trương, đường lối phát triển kinh tế; làm tốt hơn công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội đã ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII.

Đặc biệt là các nghị quyết có vai trò nền tảng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế và phát triển lâu dài của đất nước như các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân; các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển công nghiệp, năng lượng, chủ động tham gia CMCN 4.0;

Thẩm định các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô; tiếp tục đặc biệt coi trọng công tác cán bộ.

Những con đường mới có thể khó đi hơn, những thách thức có thể ngày càng lớn hơn nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư; với hành trang truyền thống 70 năm tự hào gắn liền với những chặng đường vẻ vang của cách mạng Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, không ngừng nỗ lực rèn luyện vươn lên;

Đổi mới sáng tạo, nâng tầm trí tuệ, đột phá tư duy nhận thức theo kịp xu hướng phát triển của thời đại, kết hợp giữa lý luận sắc bén và thực tiễn để vừa khắc phục những khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, phấn đấu luôn xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược tin cậy về kinh tế - xã hội của Đảng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh