THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Cần quan tâm đặc biệt đến nhóm đối tượng lao động phi chính thức

Báo cáo về tình hình triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lao động, thương binh và xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Về số lượng, chất lượng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, tính đến tháng 8/2020 cả nước có tổng số 93.720 lao động nước ngoài đang làm việc. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đảm nhiệm được. Tỷ lệ nhà quản lý, giám đốc điều hành là 44,07%, tỷ lệ lao động kỹ thuật là 22,05% và số còn lại là chuyên gia.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai 3 Chỉ thị và 2 Nghị quyết về lĩnh vực lao động - Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 15.773.928 người tham gia BHXH, bằng 32,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: BHXH bắt buộc là 15.199.985 người, bằng 31,1%; BHXH tự nguyện là 573.943 người, bằng 1,2%. Có 13.429.401 người tham gia BHTN, bằng 27,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết chế độ BHXH luôn đảm bảo đẩy đủ và kịp thời.

Về lao động phi chính thức ở Việt Nam, năm 2018, số lao động phi chính thức ở Việt Nam là 19,3 triệu người, chiếm 35,6% lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động phi chính thức là 56,2%. Tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ có 4,8 triệu đồng/tháng (bằng 2/3 tiền lương của lao động chính thức là 6,9 triệu đồng/tháng). Giai đoạn 2016-2019, các Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 12 triệu lượt người, hỗ trợ kết nối việc làm cho 3,85 triệu lượt lao động. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2020 (từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động) đạt trên 9.240 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm cho 219.618 lao động (trong đó chủ yếu là lao động ở khu vực nông thôn). Tính đến 31/12/2019, có 573.943 người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,17% lực lượng trong độ tuổi (hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra là đến năm 2021 có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện).

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai 3 Chỉ thị và 2 Nghị quyết về lĩnh vực lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn Giai đoạn 2016-2019, công tác đào tạo nghề cho đối tượng là lao động nông nghiệp đã đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp khác cho 4,9 triệu lao động nông thôn, trong đó, có 3,2 triệu lao động nông nghiệp đã được đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp (chiếm 65%).

Đặc biệt chăm lo đời sống nhóm lao động phi chính thức

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành LĐ-TB&XH là ngành quản lý đa dạng các lĩnh vực với 14 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người. Riêng về lực lượng lao động, hiện cả nước có khoảng 55,4 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó lực lượng lao động phi chính thức chiếm  khoảng 56%). "Đối với lực lượng lao động chính thức, các chủ trương chính sách, pháp luật đã được xây dựng tương đối đồng bộ. Nhất là sau khi Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết 28 về chính sách BHXH đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành và được cụ thể hóa. Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua với cách tiệm cận mới trong quan hệ lao động đã tạo thị trường lao động tương đối hoàn thiện. Lực lượng lao động chính thức đã được tiệm cận tương đối đầy đủ các tiêu chí quốc tế"- Bộ trưởng khẳng định.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai 3 Chỉ thị và 2 Nghị quyết về lĩnh vực lao động - Ảnh 3.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao kết quả của ngành LĐ-TB&XH trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thách thức đặt ra hiện nay chính là lực lượng lao động phi chính thức. Lao động phi chính thức (chiếm khoảng 56% trong tổng số lực lượng lao động), đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội đất nước nhưng đây lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro nhất và cũng là nhóm đối tượng ít được thụ hưởng chính sách nhất. "Vừa qua, trước tình hình dịch bệnh covid -19, Chính phủ đã có gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ cho những lao động tự do bị mất việc, giãn việc, giảm sâu thu nhập do Covid-19. Hiện nay các địa phương đã phê duyệt danh sách người thụ hưởng gói an sinh 62.000 tỷ là 18,8 triệu người. Đến ngày 31/7, số tiền giải ngân qua kho bạc gần 12.000 tỷ đồng"- Bộ trưởng cho biết. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch Covid lần 2 này sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng. Chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. Các mặt hàng trong nước sản xuất ra không xuất khẩu được. Đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. "Đến bây giờ doanh nghiệp mới "ngấm đòn". Tính đến hết tháng 7 số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41% so với cùng kỳ. Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch" - Bộ trưởng nhận định. 

Trước tình hình đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ an sinh lần 2 với  phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động phi chính thức. "Nếu không chăm lo lao động phi chính thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Từ nay đến cuối năm phải quan tâm chăm lo lực lượng lao động này"- Bộ trưởng nêu.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban kinh tế trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lao động, thương binh và xã hội. "Báo cáo đã thể hiện rõ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, các kết quả thực hiện trong từng lĩnh vực được thể hiện rõ ràng"- Phó Trưởng Ban kinh tế trung ương Triệu Tài Vinh khẳng định.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đề nghị, sắp tới, hai bên cùng đôn đốc, giám sát thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến các vấn đề về lao động, thương binh, xã hội trong đó đặc biệt quan tâm chính sách đối với lực lượng lao động phi chính thức, đào tạo nghề, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp…

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh