CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 06:54

Băn khoăn với hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tăng quyền lợi với người tham gia BHXH tự nguyện

Tán thành với 3 quan điểm, 5 mục tiêu và 11 nội dung lớn trong Tờ trình Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi),  đại biểu Thạch Phước Bình ( đoàn Trà Vinh) nhận định, Dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định mang tính đột phá, bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương như việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội và  quy định giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Theo đại biểu, cần xây dựng lộ trình để tiếp tục giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống tấp hơn nữa. 

Liên quan đến những chính sách hỗ trợ BHXH tự nguyện được quy định trong Dự thảo luật, đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy nhân dân rất mong muốn được nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH nói chung chứ không chỉ riêng BHXH tự nguyện.

Đại biểu cũng đặt vấn đề tại sao cơ quan soạn thảo không đưa bảo hiểm dành cho trẻ em vào Dự thảo luật?

Nhất trí với đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm, tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa)  cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH thì sẽ có thêm nhiều người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. đại biểu cho rằng, đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì lo ngại lương hưu quá thấp, không có mức sàn đảm bảo cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật BHXH (sửa đổi) (Ảnh: Mạnh Dũng)

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật BHXH (sửa đổi) (Ảnh: Mạnh Dũng)

Giải trình thêm về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội cũng như giải đắp những thắc mắc của đại biểu tại tổ, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Trường Giang cho biết,  một trong những mục tiêu của lần sửa luật này là mở rộng diện bao phủ BHXH. Theo kinh nghiệm quốc tế, muốn mở rộng diện bao phủ BHXH phải kết hợp hài hòa hai hình thức tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

"Ngoài những  đối tượng  tham gia BHXH bắt buộc. thì  những người lao động khu vực phi chính thức, khó tham gia BHXH hơn, nhà nước phải hỗ trợ để họ tham gia BHXH tự nguyện", ông Giang nói.

Về mức đóng 22% lương áp dụng với BHXH tự nguyện, Vụ trưởng Vụ BHXH giải thích, đây là tỷ lệ được thiết kế tương ứng với nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc.

Về việc bổ sung chế độ thai sản với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2 triệu đồng/lần sinh con. Ông Giang cho biết, người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng góp mới được hưởng chế độ này, còn mức 2 triệu đồng áp dụng với người tham gia BHXH tự nguyện là khoản hỗ trợ không qua đóng góp.  Sở dĩ Nhà nước có nhiều chế độ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện vì khảo sát chung cho thấy, 70% người tham gia BHXH tự nguyện tiệm cận thu nhập chuẩn nghèo. Nếu tăng mức đóng góp thêm nữa họ sẽ rơi vào cận nghèo. Chính vì vậy, chế độ thai sản được hỗ trợ là để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Về ý kiến cho rằng, theo thiết kế của dự án Luật sẽ khiến mức lương hưu thấp, Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết, giai đoạn 2016-2022, có 300.000 lượt lao động đã rút BHXH vì không đủ 20 năm đóng bảo hiểm. Giảm điều kiện thời gian đóng thì nhóm lao động  này có cơ hội được nhận lương hưu, dù mức lương thấp còn hơn không có lương hưu, chỉ nhận mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng. Cùng với việc được hưởng lương hưu, những lao động này còn có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho tuổi già.

Nói thêm về về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, theo lộ trình, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi,  sau đó sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình để giảm tiếp. Còn mức hưởng, Chính phủ đề xuất quy định linh hoạt, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kì. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mức tiền không "áp cứng" trong luật mà sẽ thể hiện trong nghị định, để Chính phủ chủ động điều hành, đảm bảo cân đối, hài hòa.

Đối với ý kiến về việc chưa đưa bảo hiểm dành cho trẻ em vào dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, hiện nhà nước đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ dành riêng cho trẻ em. Trước mắt dù Chính phủ chưa đưa vào Luật nhưng tất cả những chính sách hỗ trợ trẻ em đều được đảm bảo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe những ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Mạnh Dũng)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe những ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Mạnh Dũng)

Nhiều băn khoăn với hai phương án hưởng BHXH một lần

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ là hai phương án hưởng BHXH  một lần do Chính phủ trình.

Về vấn đề hưởng BHXH một lần, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, người đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình còn Nhà nước lại muốn bảo vệ lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội.

Theo bà Tạ Thị Yên,  tiền đóng BHXH trên thực tế là để dưỡng già và gắn với BHYT vốn được chi trả như nhau và không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng BHXH. Với mục tiêu mở rộng hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội BHYT, những người rút BHXH một lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo. Vì vậy, đại biểu cho biết, bà nghiêng về phương án 2 là đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân bởi Nghị quyết 28 cũng đã chỉ rõ có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí cũng như giảm quyền lợi nếu như hưởng BHXH một lần. 

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Bày tỏ ủng hộ phương án 2, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50% mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền đóng vào quỹ. Còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này. 

Về mức rút BHXH, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc,  phương án 2 đưa ra sẽ cho người lao động rút 50% và giữ lại 50%. Tuy nhiên, cơ sở nào để rút 50%, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.

"Với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu. Ví dụ, cơ cấu đóng Quỹ BHXH là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.  Vậy tôi nghĩ nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại”, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ quan điểm.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh