THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:34

Băn khoăn việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em

Ông Đào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi.

 

Ủy ban TVQH: Tăng độ tuổi để trẻ em được chăm sóc tốt hơn

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Tuy nhiên, hiện nay còn một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên đến dưới 18 tuổi (Điều 1) không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên và sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên, hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác. Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau, mà được chia theo độ tuổi và chia theo các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên về cơ bản sẽ không có sự thay đổi, vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Hơn nữa, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan của nước ta đều quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mới tự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, về mặt khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa hoàn thiện, chưa phát triển đầy đủ về não bộ, về thể chất, tinh thần, về nhận thức xã hội, về ý thức pháp luật, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và ứng xử xã hội.

Đề cập đến sự lo ngại việc tăng tuổi trẻ em sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước, ông Thi cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472 người. Khi điều chỉnh độ tuổi, số người này sẽ được xem là trẻ em, vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này.

 

Một tiết mục văn nghệ do các em thiếu nhi Nhà văn hóa Ba Đình biểu diễn (Ảnh: Quang Trung)

Không ít băn khoăn, trăn trở...

Sau khi  Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, nhiều đại biểu tỏ ra đồng tình với quyết định tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, mặc dù quy định trước đây không trái quy định của LHQ, nhưng ông tán thành nâng độ tuổi của trẻ em lên vì việc điều chỉnh phù hợp với sự phát triển về thể chất của con người bởi người ta chỉ phát triển hoàn thiện về thể chất khi bước sang tuổi 18. Mặt khác, ở Việt Nam, Luật Bầu cử quy định 18 tuổi trở lên mới có quyền bầu cử. Bộ luật Dân sự cũng quy định năng lực hành vi dân sự phải từ 18 tuổi trở lên. Luật Hôn nhân gia đình vẫn giữ nguyên tuổi kết hôn là 18 tuổi, hay Luật Hình sự quy định chỉ áp dụng hình thức tử hình với người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, mốc 18 tuổi đã thể hiện trong hiến pháp và các luật hiện hành. Về những lo ngại liên quan đến vấn đề lao động trẻ em, ông Thảo cho rằng, các công ước liên quan đến lao động của của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định lao động trẻ em là dưới 15 tuổi. Như vậy, việc nâng độ tuổi trẻ em là thể hiện sự tiến bộ của chế độ.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến không đồng tình với việc tăng độ tuổi trẻ em. Đại biểu  Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi là chúng ta đang đi ngược lại xu thế chung của các nước và gây xung đột với các quy định pháp luật hiện hành khác. Theo ông Nghĩa, quy định trẻ em dưới 16 tuổi thì không hề vi phạm Công ước Trẻ em đã ra đời cách đây hơn 26 năm, vậy vì lý do gì, mà vào năm 2016, chúng ta lại đem áp trẻ em dưới 18 tuổi. “Bản thân tôi thấy không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước. Không có việc gì chúng ta bắt thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi quay lại trẻ em. Còn chúng ta muốn chăm sóc cho trẻ em ở độ tuổi từ 16-18 thì chúng ta cần chăm sóc cái gì thì chăm sóc cái đó, chứ không có gì phải quay lại bánh xe lịch sử như vậy”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình quan điểm trên, bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc tăng tuổi trẻ em sẽ dẫn đến việc không tương thích với luật khác, các quy định pháp luật khác tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội và ảnh hưởng đến ngân sách. Dẫn giải cho việc nếu tăng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ không tương thích với các luật, bà Lan lấy ví dụ như nạn tảo hôn. Theo phong tục vùng miền, ở vùng núi phía Bắc 16 tuổi đã xảy ra tảo hôn. Vì vậy, nếu nâng lên 18 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng tảo hôn trái pháp luật tràn lan. Mặt khác, nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi, khi đất nước có xâm lược thì không lẽ chúng ta tổng động viên cả trẻ em. “Tôi thường nói, nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi thì phải xây thêm khoa sản trong Bệnh viện Nhi”, bà Lan nói.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi tỉnh Sơn La

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), nếu Quốc hội vẫn quyết định tăng độ tuổi trẻ em thì phải xử lý các vướng mắc như xử lý vấn đề xung đột về luật pháp giữa Luật Trẻ em và các luật hiện hành khác. Còn theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng): Ngoài việc cân nhắc  nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, thì Luật cũng cần quan tâm đến các cháu từ 6 tháng tuổi đến  dưới 5 tuổi, các cháu đi học ở đâu bởi hiện rất nhiều công nhân không có chỗ gửi  con khi đi làm.Ngoài các ý kiến liên quan đến độ tuổi trẻ em, tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại trình tự; phân chia gọn hơn các quyền, bổn phận trẻ em; đề nghị bổ sung một số quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng; khám chữa bệnh miễn phí bằng bảo hiểm y tế cho trẻ em và trẻ em dưới 36 tháng tuổi; quy việc miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tham quan, vui chơi giải trí...

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (đoàn Thái Bình) đề nghị bổ sung một số nhóm đối tượng trẻ em yếu thế vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em di cư, trẻ mắc bệnh và bổ sung các quyền trẻ em trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, trong các hành vi nghiêm cấm cần bổ sung cấm bán thuốc lá, rượu bia cho trẻ em.

NGUYỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh