THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:37

Ban hành tài liệu phòng, chống lao động cưỡng bức

 

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp ngành dệt may đã có biểu hiện cưỡng bức lao động. (ảnh minh họa).

TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, như việc tham gia Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc đảm bảo tuân thủ các quyền lao động cơ bản, bao gồm xóa bỏ LĐCB nên là một ưu tiên quan trọng. LĐCB trước hết là sự vi phạm nhân quyền, đồng thời có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp bởi các DN dệt may Việt Nam có thể có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, tài liệu hướng dẫn giúp ra đời, nhằm trang bị cho chủ DN những hiểu biết cần thiết để nhận diện LĐCB, cũng như cách loại bỏ nguy cơ LĐCB trong hoạt động và trong chuỗi cung ứng của DN. Tài liệu bao gồm: Chương trình đào tạo được thiết kế nhằm hỗ trợ việc phổ biến tài liệu, hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động. Thông qua đó, cung cấp bộ công cụ hoàn chỉnh cho giảng viên để tiến hành các khóa tập huấn, gồm: Chương trình đào tạo mẫu: Đào tạo 1 ngày hoặc 4 phiên tập huấn riêng; 7 hoạt động đào tạo: Bài tập lập sơ đồ việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứng, các bài tập tình huống, ví dụ thực tiễn tốt,...

Theo bà Marja Paavilainen, Trưởng cố vấn kỹ thuật Dự án Hành động vì LĐCB tại khu vực châu Á, thuộc ILO cho biết, hiện chưa có một nghiên cứu nào về tình trạng cưỡng bức lao động trong ngành dệt may ở Việt Nam, do đó không có một bức tranh tổng thể, không biết rõ được nơi nào thực sự có vấn đề. Cho rằng việc tiến hành các nghiên cứu là cần thiết, bà Marja Paavilainen nói thêm, thách thức lớn nhất và quan trọng nhất là tăng cường sự bảo vệ toàn diện NLĐ trong ngành dệt may, đảm bảo người sử dụng lao động tuân thủ theo Bộ luật Lao động. Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng lao động về LĐCB trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam cung cấp cho người sử dụng lao động những kiến thức: LĐCB là gì và tại sao các DN cần biết về khái niệm này; những khía cạnh pháp lý của LĐCB; những nguyên tắc cơ bản để loại bỏ LĐCB trong hoạt động của DN; người sử dụng lao động cần hành động chống lại LĐCB như thế nào? Bổ trợ cho hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động là cuốn Hướng dẫn cho giảng viên- đây là công cụ cho các tổ chức, cá nhân tiến hành tập huấn về quản lý nhân lực và các vấn đề tuân thủ trách nhiệm xã hội tại các DN dệt may Việt Nam.

Theo ước tính của ILO, có khoảng 21 triệu người trên thế giới là nạn nhân của LĐCB. Vì vậy, xóa bỏ LĐCB là một trong bốn quyền lao động cơ bản đã được các thành viên TPP nhất trí thông qua, đảm bảo trong hệ thống pháp luật và thực tiễn ở quốc gia mình. Chống LĐCB còn được Liên đoàn giới sử dụng lao động Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á coi là ưu tiên quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực.

 Đối với Việt Nam, dệt may là một ngành sản xuất mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 5 trên thế giới. Trong khi đó, các DN may Việt Nam có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn trên thế giới, do đó, các DN này cần đảm bảo rằng, không có hiện tượng cưỡng bức lao động trong ngành.         

Công ước về LĐCB năm 1930 của ILO (Công ước số 29) định nghĩa về LĐCB: Mọi công việc và dịch vụ một người bắt buộc phải thực hiện dưới sự đe dọa hình phạt và người đó làm một cách không tự nguyện.

Các chỉ số của cưỡng bức lao động (theo ILO) bao gồm: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; dọa nạt, đe dọa; giữ giấy tờ tùy thân; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; làm thêm giờ quá quy định.

V.LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh