Bạn đừng bao giờ quên vệ sinh chai nước thường xuyên vì lý do này
- Y học 360
- 07:00 - 23/03/2020
Chai nước là một trong những thứ dễ bị bỏ qua nhất khi vệ sinh các vật dụng trong nhà. Hơn nữa, nhiều người cho rằng nước lọc rất đảm bảo, không chứa mầm bệnh nên không cần làm sạch chai thường xuyên. Nếu bạn cũng mắc phải sai lầm này, hãy tham khảo lời giải thích của các chuyên gia dưới đây:
Tại sao cần vệ sinh chai nước thường xuyên?
Nếu bạn không làm sạch chai nước thường xuyên, vi khuẩn và nấm mốc sẽ tích tụ trong chai, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Maria Vila, chuyên gia y khoa ở Morristown, New Jersey giải thích, nấm mốc có xu hướng phát triển mạnh trong nước tù đọng. Hơn nữa, môi trường trong chai không vô trùng nên vi khuẩn cũng có khả năng sinh sôi cao. Nếu bạn uống trực tiếp, vi khuẩn từ miệng sẽ theo nước đi vào trong chai. Thức ăn còn sót lại trên miệng tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm mốc.
Ngoài ra, vật dụng này còn tiếp xúc với mầm bệnh trên tay và môi trường xung quanh. Vi khuẩn từ miệng không cần quá lo ngại vì cơ thể bạn đã quen với chúng. Tuy nhiên, theo Alex Lewis, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện All India Institute (Ấn Độ), mầm bệnh từ lòng bàn tay hoặc không gian bên ngoài, từ người dùng chung chai là vấn đề đáng lưu ý.
Vi khuẩn và nấm mốc liệu có gây hại?
Phát triển trong môi trường ẩm ướt, vi khuẩn và nấm mốc hầu như có mặt trong mọi chai nước. Theo một bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học và Sức khỏe Môi trường, vệ sinh vật dụng này thường xuyên là việc làm cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển mạnh mẽ của những sinh vật nhỏ bé này.
Nếu có thói quen dùng chai để đựng nước ngọt hoặc đồ uống thể thao, bạn càng phải vệ sinh vật dụng này thường xuyên hơn. Trên thực tế, đồ uống có đường sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các sinh vật khiến bạn mắc bệnh nếu để lâu trong thời gian dài hoặc chai không được làm sạch đúng cách trước khi sử dụng lần nữa. Ngoài ra, độ pH của chất lỏng trong chai cũng tác động đến tốc độ sinh sôi của vi khuẩn.
Nói cách khác, bạn có thể mắc bệnh nếu không rửa chai nước thường xuyên và để những sinh vật này tích tụ quá nhiều. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các dấu hiệu bao gồm buồn nôn, dạ dày khó chịu, mệt mỏi, đau đầu, gặp phải các triệu chứng dị ứng như hắt hơi hoặc ngạt mũi.
Quên vệ sinh chai nước có làm sao không?
Bạn có thể thỉnh thoảng quên rửa chai, chỉ cần đừng biến điều này thành thói quen. Trong tình huống quên không làm sạch chai nước và khát nước, nhiều người lựa chọn tái sử dụng chai nhựa dùng một lần. Việc làm này vô cùng sai lầm và còn tệ hơn việc sử dụng lại chai nước chưa rửa.
Chai nhựa dùng một lần có nghĩa là chúng chỉ được sử dụng một lần duy nhất. Các hóa chất được sử dụng để sản xuất chai có thể ngấm vào nước trong những lần sử dụng tiếp theo. Những hóa chất này, chẳng hạn là Bisphenol-A (BPA), có hại cho sức khỏe con người.
Hơn nữa, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và tích tụ hơn ở các vết nứt nhỏ trong chai nhựa so với chai thủy tinh.
Vì vậy, mọi người nên bỏ thói quen tái sử dụng chai nhựa dùng một lần và lựa chọn chai làm bằng thép hoặc thủy tinh có thể dùng lại.
Bạn cũng không nên nhầm tưởng dùng chai nước làm bằng thép thì không cần vệ sinh thường xuyên. Mặc dù một số tuyên bố đã chỉ ra thép có thể hoạt động như một chất kháng khuẩn tự nhiên, theo nhiều nghiên cứu hiệu quả này kém và không đáng kể.
Vệ sinh chai nước bao lâu một lần?
Mọi người hãy cố gắng làm sạch chai nước ít nhất một lần một tuần và nếu có điều kiện thì nên rửa vật dụng này mỗi ngày hoặc sau mỗi lần sử dụng.
Những người bị suy giảm hệ miễn dịch do các vấn đề sức khỏe hoặc mang thai cần đặc biệt lưu ý vì họ có nhiều khả năng mắc bệnh do vi khuẩn và nấm mốc.
Dùng bàn chải là biện pháp vệ sinh chai hiệu quả nhất. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số dung dịch làm sạch để hỗ trợ quá trình rửa. Nếu có điều kiện, mọi người nên ngâm chai vào hỗn hợp nước và giấm, để qua đêm. Giấm được coi là một chất khử trùng hiệu quả có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong chai.
(Nguồn: Pre)