CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc về Việt Nam, Trung Quốc không có bất kỳ quyền gì

Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

 

Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.


Vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

Theo các quy định của Luật biển quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế, hoạt động thăm dò địa chất của tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm gần như tất cả các điều khoản trong Công ước Luật biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Hoạt động này nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế, cũng là vùng thềm lục địa của Việt Nam, đã xâm phạm vào quyền chủ quyền của Việt Nam tại đây. Nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thì dù dưới mục đích hoà bình hay không, cũng đã xâm hại đến quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định trong khu vực biển này; ảnh hưởng đến các quyền tự do đi lại và khai thác thác kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác (dưới sự cho phép của Việt Nam) tại đây. 

Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào chồng lấn với Bãi Tư Chính của Việt Nam

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam.

Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.


Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.


Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, và lại càng không tranh chấp với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận Phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nói nôm na là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.

Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.

Điểu gì ẩn sau những cẳng thẳng trên biển Đông?

Hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam trước hết là nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực giàu tiềm năng dầu khí này.

Việc Trung Quốc đe dọa, ngăn cản Việt Nam và các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này là hành động vô lý và ngang ngược.

Hành động này nằm trong chiến lược của Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại Biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam. 

Các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong Đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 19/7, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng


Đây là lần thứ 2 Việt Nam lên tiếng về vấn đề này. Trước đó, ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 và pháp luật Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Phát huy tinh thần dũng cảm, khôn khéo và sáng tạo, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ thành công chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên vùng biển phía nam của Tổ quốc.

Nhân dân Việt Nam, dư luận các nước trong khu vực và thế giới phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, ủng hộ các lực lượng chấp pháp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh