Bài thuốc chữa bỏng hiệu quả đến khó tin của vị lang y xứ Mường
- Sức khỏe
- 02:28 - 19/03/2016
Lang y Bùi Văn Dũng.
Nửa năm trước, con và cháu ông bị bỏng nặng, vì nhà hết tiền nên không thể chữa trị ở bệnh viện. Sau một thời gian, vết bỏng lở loét, nhiễm trùng, mọi người mách ông đến nhờ một lang y ở huyện bên. Thật kỳ diệu, bài thuốc chữa bỏng của vị lang y này đã đem lại hiệu quả bất ngờ.
Gặp thầy, gặp thuốc
Chưa biết thực hư câu chuyện thế nào nhưng với đồng bào vùng cao, một câu nói ra chắc như dao chặt vào cột. Cùng với việc chứng kiến những vết thương khắp trên cơ thể bệnh nhân đã lên da non, không hề để lại di chứng đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp vị lương y và tìm hiểu về bài thuốc chữa bỏng kỳ diệu đó.
Vào một ngày đầu tháng 7 vừa qua, người con trai đầu của ông là Bùi Văn Lim (SN 1984) và cô cháu gái mới 4 tuổi bị chính vợ là Bùi Thị Hiến - do ghen tuông - đã hất cả nồi nước sôi trên bếp vào thẳng 2 bố con. Nhanh trí, anh Lim đã lấy thân mình che cho con nên hứng chọn nồi nước sôi, nên cháu bé bị bỏng ở phần ngực và bụng.
Những người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu đã chạy sang đưa hai bố con đi cấp cứu tại trạm y tế xã, rồi chuyển xuống Bệnh viện huyện Tân Lạc. Còn chị Hiến bị công an huyện bắt, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Sau 10 ngày nằm tại bệnh viện huyện, hai bố con được đưa về nhà điều trị ngoại trú, nguyên nhân chính là do gia đình hết tiền. Vì vậy, các vết thương chưa khỏi hẳn sau vài ngày trở nên lở loét, đau đớn. Lúc đó, nghe người hàng xóm mách nước, ông Sọt đã lặn lội sang huyện bên nhờ lang y về chữa trị cho con cháu. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Chỉ sau vài lần đắp thuốc, bôi thuốc, mà chủ yếu là lá rừng, vết thương của hai bố con anh Lim không còn rỉ nước vàng, rồi dần khô miệng. Hôm chúng tôi lên, các vết thương trên cơ thể anh Lim đã lên da non, cả cháu bé cũng không còn di chứng. Trong khi chữa cả tháng trời, cả hai bố con chỉ mất vài trăm nghìn.
Vết thương bị bỏng đã lên da non của anh Bùi Văn Lim.
Diện kiến lang y có biệt tài chữa bỏng
Theo thông tin gia đình ông Sọt cung cấp, chúng tôi đã tìm về xóm Bãi Vệ 2, xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, giáp huyện Tân Lạc, để diện kiến vị lang y có biệt tài chữa bỏng. Ở địa phương, ai cũng biết đến đến vị lang y chữa bỏng Bùi Văn Dũng (50 tuổi).
Căn nhà nhỏ của ông nằm lọt thỏm sau đồi cam, mía. Gặp ông, chúng tôi thấy ông giống một lão nông hơn là một người làm nghề bốc thuốc. Ông Dũng vừa đi rừng về, mồ hôi vẫn còn ướt áo. Mái tóc đã chớm bạc, khuôn mặt chất phác hiền lành, ông cười tươi đón khách. Vừa hạ chiếc gùi chứa đầy các loại lá rừng xuống, ông nói: “Đi cả buổi mà không tìm được lá thuốc cần tìm. Rừng bị chặt phá nhiều nên những cây thuốc quý cũng dần mất hết. Giờ thuốc trên rừng hiếm lắm nên tôi vừa tìm về phục vụ chữa bệnh vừa nhân giống trong vườn nhà”. Nói rồi, ông còn dẫn chúng tôi ra sau vườn, chỉ bảo, giảng giải từng loại cây có thể chữa bỏng.
Nhìn bề ngoài là vậy nhưng qua những kiến thức về cây thuốc nam và phương pháp chữa bệnh của ông, tôi cảm nhận con người ông là cả một kho tư liệu quý về cây thuốc, công dụng và những phương pháp chữa bệnh của đồng bào vùng cao. Ông bảo: “Các loài cây mọc quanh ta là một kho thuốc khổng lồ. Từ lá khoai lang, cây đồng tiền, lá nhãn, lá vòng và mấy cây cọc dậu mọc cạnh bờ rào kia là thuốc cả đấy. Quan trọng là người làm thuốc phải hiểu về các loại cây đó như thế nào để sử dụng vào việc điều trị mới khỏi bệnh”.
Được biết, ông Dũng có được kiến thức đó là do bà nội ông truyền lại. Năm 1993, bà nội mất, ông mới chính thức làm nghề thuốc. Bài thuốc hay và hiệu quả nhất chính là bài chữa bỏng mà ông đã từng chữa cho bố con anh Lim và hàng trăm người dân địa phương và khắp các tỉnh thành. Lý giải về bỏng, ông cho biết, có nhiều loại, bỏng nước, bỏng lửa và tuỳ vào mức độ bị bỏng nông hay bỏng sâu mà bốc thuốc cho hợp lý.
Cách chữa bỏng của ông Dũng rất đơn giản. Rửa sạch vết thương rồi đắp các loại lá đã được rửa sạch, giã nhỏ vào quanh vết bỏng, sau đó băng lại. Mỗi ngày thay băng một lần, căn cứ vào mức độ “cắn” thuốc của vết thương mà thêm hay giảm đi liều lượng thuốc. Ông Dũng còn chưng cất lá thành cao. Khi chữa, vừa bôi cao vào vết bỏng vừa đắp lá thì vết bỏng sẽ nhanh khỏi hơn. Thường thì chữa bỏng càng chữa sớm càng tốt, nếu để lâu ngày, vết thương dễ bị nhiễm trùng và hoại tử, khó chữa hơn rất nhiều. Theo ông Dũng, để chữa bỏng, phải làm dịu cái nóng đã nhập vào cơ thể và giải độc, bồi bổ tâm dịch, chống thoát nước, điều hoà khí huyết, bình ổn âm dương, bồi dưỡng cơ thể, khôi phục tinh thần cho bệnh nhân.
Nhiều trường hợp khỏi bệnh đã nhận ông làm bố nuôi, trong đó có những trường hợp đặc biệt như gia đình anh Bùi Văn Sơn (ở xóm Bãi Vệ 1), cả hai đứa con bị bỏng nặng. Cháu lớn là Bùi Văn Tùng không may bị nồi nước sôi to đổ vào chân, bị nhiễm trùng, được ông Dũng chữa khỏi. Không lâu sau, đứa con út Bùi Văn Nghĩa lại bị bỏng toàn bộ phía sau đầu, lưng, mông. Sau hơn hai tháng điều trị, làn da của Nghĩa đã lành lặn.
Ông Bùi Mộng Lân - Phó Chủ tịch văn xã xã Dũng Phong - cho biết: “Bài thuốc chữa bỏng của ông Dũng là bài thuốc gia truyền. Từ khi sinh ra ở vùng đất này, tôi đã thấy gia đình ông Dũng chữa bỏng. Hầu hết người dân ở vùng này khi bị bỏng là nghĩ ngay đến ông và ai đến chữa cũng đều khỏi. Do vậy, không chỉ người dân ở đây đến mà nhiều nơi khác cũng đến chữa”.