CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

Bài học từ vụ Yeah1 "bay" 3.000 tỉ đồng

Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (gọi tắt là Yeah1) hôm 3-3 nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31-3 đối với các công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.

Thiệt hại nặng nề

Trước sự cố trên, ngày 14-3, đại diện Yeah1 nhấn mạnh tập đoàn luôn có định hướng tuân thủ các quy định từ phía đối tác và phát triển hợp tác lâu dài, đồng thời kiên quyết không dung túng các hành vi vi phạm chính sách của nhà nước Việt Nam, đối tác YouTube. Hiện Yeah1 vẫn đang tích cực làm việc với YouTube để khôi phục thỏa thuận hợp tác lưu trữ nội dung sau ngày 31-3.

Mặc dù khẳng định trong năm 2018, mảng kinh doanh YouTube Adsense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah1, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn nhưng chỉ riêng sự cố này, Yeah1 đã bị thiệt hại nặng nề. Đóng cửa thị trường chứng khoán ngày 14-3, mặc dù VN-Index tiếp tục trụ mốc 1.000 điểm, đạt 1.008,44 điểm, tăng 3,03 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm, đạt 110,02 điểm nhưng cổ phiếu YEG của Yeah1 vẫn tiếp tục giảm sàn. Đây là phiên giảm sàn thứ 9 liên tục kể từ đầu tháng 3 đến nay. Với mức giảm từ 245.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 127.700 đồng/cổ phiếu phiên 14-3, tỉ lệ giảm đã đạt mức 50%, giá trị vốn hóa của công ty tụt mất hơn 3.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo Yeah1 dù đã nỗ lực mua vào cũng như thông báo mua cổ phiếu quỹ nhưng vẫn không chặn được đà giảm của YEG. Trong đó, riêng ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, mua 100.000 cổ phiếu; Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu quỹ; ông Hoàng Đức Trung, thành viên HĐQT, đăng ký mua 200.000 cổ phiếu.

Trước đây, khi lên sàn với mức giá cao ngất 300.000 đồng/cổ phiếu, lãnh đạo tập đoàn và các cổ đông lớn đưa ra lý lẽ cho thấy giá của YEG là phù hợp song các chuyên gia tài chính cho rằng giá trị thực của cổ phiếu này không thể cao đến thế!

Kênh Yeah1 Network trên YouTubeẢnh: HOÀNG TRIỀU

Chơi dao dễ đứt tay!

Sau vụ việc trên, các chuyên gia kỹ thuật số nhìn nhận mô hình kinh doanh của Yeah1 là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới mạng nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu không cân bằng giữa phát triển và kiểm soát chặt chẽ hệ thống.

Theo một chuyên gia về tiếp thị số tại TP HCM, Yeah1 hoạt động theo mô hình MCN (mạng đa kênh), gồm nhiều kênh YouTube. Với mô hình này, các nhãn hàng, DN cần quảng cáo sẽ trả tiền cho YouTube, YouTube trả tiền cho MCN và cuối cùng MCN trả tiền cho chủ sở hữu kênh. Không chỉ thế, Yeah1 còn tạo nội dung quảng cáo cho các nhãn hàng ngay trong video và được chi trả thẳng tiền, sau đó phân phối lại lợi nhuận cho chủ các kênh YouTube có chạy quảng cáo.

"Mô hình này đã giúp các MCN như Yeah1 ngày càng lớn mạnh, doanh thu ngày càng cao. Tuy nhiên, dù có lớn mạnh đến mấy, điểm chung của các MCN là đều phụ thuộc vào quyền "sinh sát" trong tay của Google - công ty sở hữu YouTube. Và khi Google đang ngày càng siết chặt việc kiểm duyệt nội dung, chỉ cần xảy ra bất cứ bê bối nào liên quan đến nội dung thì YouTube sẽ thẳng tay trừng phạt mọi MCN nào dù lớn hay nhỏ. Đây là hậu quả của việc phát triển quá nhanh nhưng không kiểm soát được nội dung" - chuyên gia này phân tích. 

Bán ScaleLab để cứu vãn?

Yeah1 vừa công bố nghị quyết HĐQT liên quan việc chuyển nhượng công ty con. Theo đó, trên cơ sở nội dung đàm phán với YouTube, HĐQT Yeah1 đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 100% cổ phần ScaleLab để bảo đảm hoạt động mảng hệ thống đa kênh cho công ty này, vốn bị ảnh hưởng liên đới từ vụ việc xảy ra tại SringMe - hệ thống MCN do Yeah1 gián tiếp nắm giữ hơn 16% cổ phần.

Giới chuyên gia nhận định việc Yeah1 chuyển nhượng lại ScaleLab cho chủ cũ là để mạng đa kênh này không còn thuộc hệ thống của Yeah1, từ đó không còn bị liên đới bởi hoạt động của SpringMe Pte. Ltd với cáo buộc cho rằng có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh