THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:42

Bài học từ Covid-19: Khi sức khoẻ con người quan trọng hơn tăng trưởng GDP và mọi thước đo kinh tế khác

Sau tất cả, khi "cơn bão" Covid-19 đi qua như cách nó chưa từng xuất hiện, chúng ta mới nhận ra rằng: Sức khoẻ, gia đình và những mối quan hệ cộng đồng quan trọng hơn mọi thước đo kinh tế.

Trải qua nhiều thế kỷ, các chính trị gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới truyền thông vẫn băn khoăn với câu hỏi "Nền kinh tế đang vận hành thế nào?" hay chính xác hơn "Nền kinh tế là gì?". Thuật ngữ "economy" (nền kinh tế) xuất phát từ tiếng Hy Lạp với tiền tố "eco" có nghĩa là "hộ gia đình" và hậu tố "nomy" nghĩa là quản lý.

Đương nhiên, định nghĩa ban đầu về "quản lý hộ gia đình" không thể bao quát cho ý nghĩa của "nền kinh tế" mà các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông hay các nhà kinh tế học vẫn thường nhắc tới. Thay vào đó, cách hiểu đơn giản nhất về nền kinh tế chính là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thị trường tài chính và việc làm.

Tuy vậy, cơn khủng hoảng Covid-19 có thể khiến mọi thước đo, khái niệm và cả những giá trị bấy lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng trở nên vô nghĩa. Có những công việc chỉ ngồi tại nhà và không tạo ra bất cứ một giá trị hữu hình nào lại tồn tại và được trả mức lương cao; trong khi những người trực tiếp sản xuất, tạo ra hàng hoá cho xã hội lại bị mất việc làm và lâm vào cảnh tay trắng vì Covid-19?

Nền kinh tế hoạt động như một cỗ máy

Theo cách hiểu của hầu hết chúng ta, nền kinh tế vốn vận hành theo một cơ chế tự động – đó là một hệ thống kết nối thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nền tảng của cơ chế này chính là lợi ích cá nhân của các bên tham gia vào nền kinh tế. Giá trị của nó nằm ở hàng hoá, dịch vụ và việc làm mà nó tạo ra. Điều quan trọng hơn cả, mục tiêu trọng tâm và cốt lõi của nền kinh tế là những giá trị vô hình mà cả thế giới luôn hướng tới: tăng trưởng GDP, việc làm, và thu nhập. Ở khía cạnh này, nền kinh tế vận hành như một cỗ máy.

Tuy nhiên, liệu cỗ máy kinh tế có vận hành tốt khi nó bỏ qua yếu tố con người và sức khoẻ cộng đồng?

Đầu tiên, một nền kinh tế muốn vận hành không thể thiếu nguồn lao động – chính là yếu tố con người. Vậy tại sao khi đại dịch bùng nổ, nhiều quốc gia lại đặt câu hỏi rằng nên ưu tiên cứu nền kinh tế hay cứu con người? Đó là một câu hỏi phi kinh tế!

Suy cho cùng, đại dịch sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng đầu tiên là khủng hoảng y tế. Nhưng nếu khủng hoảng y tế không thể giải quyết tốt sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ và thậm chí cả khủng hoảng thể chế, chính sách.

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà nhiều quốc gia (trong đó có Vương quốc Anh) thực hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đánh đổi nhiều nguồn lực khác như nguồn lực y tế hay nguồn lực xã hội. Hậu quả trực tiếp của sự đánh đổi này chính là những tổn thất mà người dân, hộ gia đình và cả cộng đồng đang phải gánh chịu.

Bài học từ Covid-19: Khi sức khoẻ con người quan trọng hơn tăng trưởng GDP và mọi thước đo kinh tế khác - Ảnh 1.

Các chính sách ưu tiên việc trả nợ hơn là phát triển y tế cộng đồng và tăng cường phúc lợi xã hội đã đẩy gánh nặng lên nhóm người có rủi ro cao nhất: người khuyết tật, người già và trẻ em.

Nếu không có đại dịch xảy ra, thế giới sẽ không đứng trước câu hỏi: Chọn sức khoẻ con người hay chọn tăng trưởng kinh tế? Và tất nhiên, trong những cuộc họp chính sách của Quỹ Tiền Tệ quốc tế IMF hay Ngân hàng thế giới World Bank từ trước đến nay, chưa bao giờ có sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO?!

Quay trở lại khái niệm nền kinh tế đang hoạt động như một cỗ máy, vậy cỗ máy này có tạo ra sự bình đẳng? Rất tiếc, câu trả lời là Không! Cỗ máy kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập, việc làm, thậm chí cả các phúc lợi y tế, bảo hiểm, cạnh tranh và môi trường làm việc. Cỗ máy này cũng tạo nên khoảng cách lớn nhất trong xã hội, đó là khoảng cách GIÀU – NGHÈO.

Và có lẽ, chỉ khi đại dịch "chết chóc" này xuất hiện, người ta mới lại đặt câu hỏi về phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trong nền kinh tế vốn đang hoạt động trơn tru này. Suy cho cùng, Covid-19 khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ rằng: Sức khoẻ của mỗi cá nhân và cộng đồng chính là điều kiện tiên quyết để cỗ máy kinh tế có thể hoạt động. Đồng thời, nguồn lực con người là nguồn lực cơ bản của nền kinh tế.

Khi sức khoẻ con người quan trọng hơn tăng trưởng GDP...

Chắc chắn trong những cuộc họp bàn chính sách kinh tế sau này, các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động chính sách sẽ không thể bỏ qua yếu tố sức khoẻ cộng đồng. Một nền kinh tế toàn cầu đảm bảo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng sẽ là nền kinh tế kiên cường và chủ động hơn trước những cơn đại dịch trong tương lai.

Nền kinh tế khi đó sẽ phải lấy con người làm trung tâm và đặt sức khoẻ con người lên trên mọi thước đo kinh tế khác: từ tăng trưởng GDP, tăng trưởng đầu tư hay tăng trưởng thị trường chứng khoán...

Khi đó, chúng ta sẽ nhận thức được rằng sức khoẻ con người rất dễ bị tổn thương nếu nó không được quan tâm và chăm sóc chu đáo. Chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng, một quốc gia yếu kém không phải là quốc gia có GDP tăng trưởng âm, mà là quốc gia có hệ thống y tế lạc hậu không thể bảo vệ được công dân của mình trước dịch bệnh nguy hiểm.

Và khi đó, ngoài giá trị tiền tệ, còn rất nhiều giá trị khác mà chúng ta cần theo đuổi: sự chăm sóc, hỗ trợ trong gia đình; sự chia sẻ trong cộng đồng và hơn hết là nhận thức vai trò của bản thân trong việc đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng. Nền kinh tế ngoài các chỉ số GDP, CPI, việc làm... cần có chỉ số về chăm sóc y tế, sức khoẻ cộng đồng, khoảng cách giàu nghèo, tỉ lệ vô gia cư; thậm chí cả ý thức bảo vệ cộng đồng.

Sau tất cả, cuộc khủng hoảng Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh với cả nền kinh tế thế giới: Đây là lúc chúng ta nên thay đổi, từ cách quản lý đến cách tư duy. Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần thừa nhận: Sức khoẻ con người là cốt lõi của nền kinh tế và nó quan trọng hơn mọi thước đo kinh tế khác!

Tham khảo Market Watch

Hà My

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh