THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:03

Bài diễn văn tốt nghiệp gây sốt với triết lý sâu sắc của GS Trương Nguyện Thành gửi sinh viên

Giáo sư Trương Nguyện Thành có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán, Đại học Minnesota, Mỹ; tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý và trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah, Mỹ vào năm 1992.

Giáo sư Thành hiện là Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, TP.HCM. Ông nổi tiếng trên MXH với hình ảnh mặc quần soóc ca-rô, áo thun đứng giảng bài và qua các bài chia sẻ về tư tưởng giáo dục mới, lời khuyên bổ ích cho sinh viên trước ngưỡng cửa tương lai.

Cuối tuần qua, trong buổi "Lễ ra trường trực tuyến 2020", Giáo sư Thành đã có bài phát biểu truyền cảm hứng tới du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ông tâm sự: "Do đại dịch covid-19, các trường đại học Mỹ không tổ chức lễ tốt nghiệp, Hội sinh viên Việt Nam ở các trường Đại học Mỹ mời tôi chia sẻ. Tôi rất thông cảm cho cảm xúc hụt hẫng của mấy em nên có làm một diễn văn ra trường dành riêng cho tất cả sinh viên ra trường năm 2020 đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch".

Clip bài diễn văn truyền cảm hứng của Giáo sư Trương Nguyện Thành.

Chúng tôi xin chia sẻ lại bài diễn văn như sau:

Trước hết tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành và nồng nhiệt đến với tất cả tân cử nhân, tân kỹ sư, tân thạc sĩ, tân tiến sĩ cùng với người thân ở mọi miền thế giới. 

Sau 4-5 năm học tập, uống không biết bao nhiêu ly café, bứt không biết bao nhiêu tóc, vui buồn lẫn lộn sau mỗi thi cuối kỳ, sống xa nhà, nhớ nhà nhớ người thân, trải qua biết bao nhiêu điều để có cơ hội được hãnh diện trước người thân, bạn bè và thầy cô khi bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Các bạn xứng đáng có một lễ ra trường trân trọng để có cơ hội ôm cha mẹ và người thân nói lời cảm ơn đã ủng hộ tinh thần cũng như vật chất trong thời gian học tập. 

Mùa lễ ra trường năm nay 2020 thật là đặc biệt. Đại dịch covid-19 đã tước đi cơ hội để bạn có sự tự hào ấy với những cái ôm ấm áp tình thương mà các bạn xứng đáng có. Nhưng nếu nhìn vào đại cuộc covid-19 đến hôm nay đã tước đi cơ hội sống của gần 400 ngàn người trên thế giới và hơn 100 ngàn người chỉ ở nước Mỹ. Bạn có thể cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nhận thức rằng lễ ra trường không phải đánh dấu sự kết thúc trong hành trình học hỏi của mình.

Bài diễn văn tốt nghiệp gây sốt với triết lý sâu sắc của GS Trương Nguyện Thành gửi sinh viên: "Dù hoàn cảnh nào thì ngày mai mặt trời cũng sẽ mọc" - Ảnh 2.

Đại dịch covid-19 đã và đang nhắc nhở các bạn, cũng như tôi và mọi người rằng lúc nào cũng cần phải học hỏi để thích nghi. Lễ ra trường chỉ là một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình cuộc sống của các bạn. Nó đánh dấu bước thành công cho sự phấn đấu học tập của bạn trong 4-5 năm qua. Nhưng hành trình cuộc sống của các bạn còn những mấy chục năm phía trước với nhiều thách thức đang chờ bạn chinh phục. Và tôi tin rằng bạn sẽ đón nhận những thách thức ấy với đầy tự tin.   

Tôi thường nói với sinh viên cũng như trên các kênh truyền thông đại chúng rằng môi trường sống của chúng ta kể cả ở Việt Nam đang thay đổi ở một tốc độ chưa từng có do Cách Mạng Cộng Nghệ 4.0 đem lại. Tuy nhiên chúng ta đang chứng kiến đại dịch covid-19 chỉ cần vài tháng đã có thể thay đổi toàn bộ môi trường sống và sinh hoạt của con người trên toàn thế giới. 

Cuộc sống của con người sẽ không trở lại bình thường như xưa nữa. Trong sự thay đổi ấy, luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc cho những ai tồn tại. Không phải người thông minh nhất, cũng không phải người mạnh nhất hay nhanh nhất mà là người có khả năng thích nghi cao nhất sẽ tồn tại.

Nhà khoa học gia và cũng là chính trị gia Benjamin Franklin từng nói 'Thất bại trong chuẩn bị đồng nghĩa với việc bạn đang chuẩn bị cho sự thất bại'. Thế nên chúng ta cần phải chuẩn bị để không bị đào thải bởi luật tiến hóa. Đó là học hỏi, hoàn thiện bản thân hàng ngày trong tâm thế để thích nghi với mọi thay đổi trong cuộc sống. 

Khoảng thời gian này 40 năm trước, ngày tôi đi định cư vào nước Mỹ. Đấy là lần đầu tiên tôi bước vào phi trường, lần đầu tiên lên máy bay, lần đầu tiên ngồi trên xe hơi, lần đầu tiên thấy cao tốc với nhiều xe hơi chạy vùn vụt… Ôi, không biết bao nhiêu điều là lần đầu tiên.  

Tôi như rơi vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, không có một nét gì giống với thế giới mà tôi từng biết trước đó, từ ngôn ngữ, văn hóa ứng xử của những người chung quanh đến môi trường sống. Thế giới mà tôi quen thuộc có những cánh đồng, con trâu, xe đạp, đèn dầu… Không có người thân bên cạnh để nương tựa, tôi nhận thức rằng 'Muốn tồn tại thì phải thích nghi'.   

Thế là não bộ của tôi bật chế độ 'học hỏi và thích nghi'. Tôi học mọi lúc mọi nơi như một đứa con nít từ học ngôn ngữ trong lớp học, coi TV, quan sát và bắt chước cách ứng xử của mọi người chung quanh và đặc biệt không để những định kiến xã hội ảnh hưởng đến việc học và thích nghi của mình. Nhờ thế mà 10 năm sau kể từ ngày đặt chân lên nước Mỹ, tôi cầm trong tay tấm bằng Tiến sĩ Hóa học từ một đại học có danh tiếng và được học bổng hậu Tiến sĩ của Quỹ khoa học quốc gia cho những tiến sĩ mới ra trường có tiềm năng nhất trên toàn nước Mỹ. 

Bài diễn văn tốt nghiệp gây sốt với triết lý sâu sắc của GS Trương Nguyện Thành gửi sinh viên: "Dù hoàn cảnh nào thì ngày mai mặt trời cũng sẽ mọc" - Ảnh 4.

40 năm sau môi trường sống của tôi một lần nữa bị đảo lộn nhưng lần này là do đại dịch covid-19. Đã gần 30 năm từ ngày trở thành Giáo sư ở Đại học Utah, để cân bằng cuộc sống tôi có một nguyên tắc đó là không đem việc làm về nhà. Thời gian ở nhà tôi chỉ đọc sách, coi TV để giải trí hay sinh hoạt với gia đình. Mấy tháng nay do luật cách ly xã hội, việc giảng dạy thay vì ở giảng đường thì phải dạy online từ nhà. Bấy giờ thì việc bận quần đùi dạy học trước sinh viên không còn là vấn đề nữa mà trở nên bình thường! (cười)

Điều đáng nói là sau khi dạy xong, ở nhà tôi không biết làm gì. Ban đầu tôi coi TV, luyện vài bộ phim chưởng Kim Dung. Nhưng tôi sớm nhận thức ra bài học của 40 năm trước. Não tôi một lần nữa chuyển qua chế độ học hỏi và thích nghi.   

Hơn một tháng nay, mỗi sáng sau khi tập thể dục và ăn sáng, tôi đâm đầu vào học về khoa học thần kinh, tâm lý học hành vi về phát triển con người, khoa học thể dục, xã hội học, quản trị học, nghệ thuật lãnh đạo và kể cả các nghiên cứu khoa học về chánh niệm, những vấn đề hoàn toàn mới mẽ với tôi với mục tiêu tìm ra phương pháp để phát triển tiềm năng cá nhân một cách hiệu quả nhất từ trí tuệ đến thể chất.   

Tôi còn đem chính bản thân mình ra làm thí nghiệm. Thế là sinh hoạt hàng ngày của tôi dù ở trong nhà không ra ngoài cũng thú vị với tinh thần tích cực và phấn khởi. Người ta nói rất khó để dạy con chó già trò chơi mới. Nhưng ông già U70 tôi đây vẫn còn có thể bật qua chế độ học hỏi và thích nghi thì tôi tin rằng các bạn trẻ cho dù U60 cũng có thể làm được.

Các bạn trẻ thân mến, đại dịch covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thị trường lao động. Công việc cho tấm bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ mà bạn đang cầm có thể đã thay đổi nhiều rồi. Để không bị đào thải bởi luật tiến hóa, bạn cần tìm hiểu những thay đổi trong môi trường làm việc cho ngành mình học.  Đánh giá những kỹ năng mà cá nhân cần bổ xung. Học hỏi hoàn thiện bản thân hàng ngày trong tâm thế để thích nghi với môi trường mới. 

Điều quan trọng hơn là thay đổi nhận thức về việc làm sau khi tốt nghiệp. Tôi thường khuyên học trò của mình trước khi ra trường - 'Điều thầy muốn em nhớ rỏ đó là thầy dạy em không chỉ hóa học. Thầy dùng hóa học là công cụ để dạy cho em biết cách phân tích vấn đề, tích hợp kiến thức để đưa ra giải pháp, biết cách làm thí nghiệm để đánh giá tính khả thi và giới hạn, và kể cả thuyết phục trước cộng đồng chuyên môn giải pháp của mình'.  

Nhờ thế mà học trò của tôi có đứa làm giám đốc trung tâm dữ liệu, giám đốc ngân hàng, phát triển vật liệu y tế, những ngành mà không dính gì đến hóa học. Do đó đừng để cái tên ngành trên tấm bằng của bạn làm giới hạn cơ hội công việc làm của mình. Điều này rất quan trọng ở thời điểm này.

Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống cũng như phát triển sự nghiệp mà ít khi được nhắc tới đó là tâm thế làm chủ. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng sau khi ra trường muốn khởi nghiệp để có cơ hội làm chủ doanh nghiệp. Tôi thường hay hỏi lại 'Thế em nghĩ như thế nào là làm chủ?'.

Đa số trả lời 'Làm chủ thì mình có thể quyết định làm gì chứ không phải làm theo ý của người khác như khi làm công'.     

Thế mỗi sáng bạn là người quyết định thức dậy lúc mấy giờ, đúng không? Rồi bạn quyết định tập thể dục hay lước facebook, đúng không? Bạn bè rủ đi uống café, nhưng bạn là người quyết định đi gặp bạn hay lên mạng học hỏi thêm kiến thức, đúng không? Giờ rảnh hàng ngày bạn quyết định đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm hay chơi video game, đúng không? Trước sự kiện làm bạn nổi điên, bạn là người quyết định cách ứng xử của mình, đúng không? 

Victor Frankel, nhà tâm lý học sống sót từ tử tù của phaxic Đức có nói 'Tự do cuối cùng của con người là khả năng chọn lựa thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh không thể thay đổi được'. Như khi sống cách ly xã hội, tôi là người quyết định tất cả các hoạt động của mình trong ngày và tâm thế của mình trước hoàn cảnh. Cuộc sống của bạn là một chuỗi lựa chọn mà bạn là người hoàn toàn quyết định. Do đó không vì một hoàn cảnh nào như đại dịch hay suy thoái kinh tế mà bạn không thể làm chủ được cuộc sống của mình. 

Với tâm thế làm chủ bản thân bạn sẽ không cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh mà có động lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Nếu bạn không thể làm chủ bản thân thì hãy bỏ ý định làm chủ doanh nghiệp đi bạn ạ. 

Bài diễn văn tốt nghiệp gây sốt với triết lý sâu sắc của GS Trương Nguyện Thành gửi sinh viên: "Dù hoàn cảnh nào thì ngày mai mặt trời cũng sẽ mọc" - Ảnh 6.

Sau khi ra trường, tôi đồng cảm với việc các bạn đang háo hức tìm việc làm để ổn định cuộc sống.  Chuẩn thành công mà tôi hay nghe ở Việt Nam đó là 1 vợ, 2 con, 3 tấm, và 4 bánh. Khi quá tập trung vào tài sản, địa vị hay quyền lực nó có thể thôi thúc bạn chọn con đường tắt để có thể thành công nhanh chóng nhưng nó chỉ nhất thời và không bền vững bạn nhé. Có nhiều người trên thế giới làm giàu bằng cách này, kết quả là phải vào tù và tán gia bại sản. Nhà bác học Albert Einstein từng khuyên thế hệ trẻ: "Không nên tập trung vào mục tiêu trở thành người thành công mà hãy cố gắng sống làm người có giá trị".  

Sống có giá trị với bản thân là khi biết chăm sóc mình về tinh thần lẫn thể chất. Sống có giá trị với gia đình là khi biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Sống có giá trị với đồng nghiệp, với tổ chức, và với xã hội. Một khi tổ chức và xã hội đánh giá bạn là người có giá trị thì thành công tự nhiên sẽ đến với bạn ạ.

Cuối cùng thành công của các bạn ngày hôm nay có sự đóng góp của rất nhiều người không chỉ từ người thân. Từ các thầy cô, cô nhân viên làm vệ sinh lớp học, đến bác tài xế xe bus đưa bạn đến trường hàng ngày, từ những động viên của bạn bè, và từ nhiều người khác nữa. Với sự biết ơn, lòng trắc ẩn, và với ý thức xã hội tôi hy vọng bạn sẽ sống làm người tử tế góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững, một xã hội văn minh và công bằng hơn. 

Dù ở hoàn cảnh nào thì ngày mai mặt trời cũng sẽ mọc. Nhưng ngày mai bạn sẽ là người như thế nào thì còn tùy thuộc vào nhận thức và hành động của bạn ngày hôm nay.   

Một lần nữa, chúc mừng các bạn cùng với gia đình. Chúc các bạn vững bước tương lai.

Minh Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh