THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:40

Bài báo góp nên duyên vợ chồng

Thương binh 1/4 Phạm Văn Tư và vợ Nguyễn Thị Thanh Phương. 

Lê Huy Yêm vốn là công nhân của nhà máy, tình nguyện tòng quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đến trận thứ bảy thì bị thương nặng. Sau khi điều trị và an dưỡng ở trại thương binh Thanh Hóa, anh nhận quyết định trở về nhà máy. Buổi đầu về nhà máy, mới chỉ cách ba năm mà không ai nhận ra Lê Huy Yêm! Bởi vì vết thương quá nặng ở quai hàm đã làm cả gương mặt của anh biến dạng hẳn đi, giọng nói cũng lạc, phát âm rất khó. Vết thương ở vai phải làm mất thăng bằng, cộng với vết thương ở mông, làm dáng đi của anh xiêu lệch… Sau những giờ phút ngỡ ngàng xa lạ, mãi rồi mọi người mới nhận ra được Lê Huy Yêm ở đôi mắt và vầng trán. Cả nhà máy đón nhận anh với niềm mến yêu, trân trọng người đi chiến đấu và chiến thắng trở về. Nhà máy và chi đoàn thanh niên tổ chức mấy buổi liền cho Yêm kể chuyện chiến đấu ngoài mặt trận. Rồi nhà máy phát động thi đua, cổ vũ thanh niên noi gương chiến đấu của Yêm, hăng hái lên đường nhập ngũ…

Hai vợ chồng thương binh Đinh Công Kháng thường đưa nhau đi dạo mỗi buổi chiều. 

          Sau một thời gian nghỉ ngơi, Yêm được nhà máy bố trí làm công tác bảo vệ. Nhưng rồi, Đảng ủy và Ban Giám đốc lại bàn: Cần phải tạo cho Yêm một nghề nghiệp phù hợp với sức khỏe để bảo đảm cuộc sống lâu dài. Và Yêm lại được cử đi học lớp trung cấp công nghiệp thực phẩm. Nhà máy cũng biết Yêm đi học sẽ rất khó khăn, vì trình độ văn hóa của Yêm chưa hết cấp II , tay phải của anh viết rất khó do ảnh hưởng vết thương bả vai, nhưng các anh lãnh đạo rất vững tin ở nghị lực rèn luyện phấn đấu của Yêm. Cùng với chăm lo nghề nghiệp, nhà máy còn đặc biệt quan tâm đến cuộc sống hạnh phúc của Yêm. Thế rồi, bằng những “nhịp cầu” ân tình của tập thể, đặc biệt là chi đoàn thanh niên, một tình thương đã đến với Yêm. Đó là Vũ Thị Thúy, tuổi ngoài đôi mươi, một công nhân của nhà máy, quê ở xã Sơn Đông, (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)… Được nghe giới thiệu đến đây, tôi đã cảm nhận được một bức tranh sáng đẹp về công tác hậu phương quân đội ở Nhà máy mì chính Việt Trì. Tôi liền dự định, phải viết đậm vào chủ đề: Cả nhà máy chăm lo vun đắp cuộc sống hạnh phúc cho một thương binh từ tiền tuyến trở về. Tôi nghĩ, với Lê Huy Yêm, một thương binh bị biến dạng cả diện mạo và thân hình, được đón nhận tình yêu thương của một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, đó phải là một mối tình cao đẹp!

          Tôi tìm gặp Vũ Thị Thúy để được hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của cô với Yêm. Thúy là một trong 13 cô gái ở tổ sản xuất trung hòa, phân xưởng mì chính, mà anh em trong nhà máy vẫn thường gọi “Mười ba cô gái trung hòa”. Các cô đều “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Riêng Thúy có phần nhích trội về đức tính siêng năng trong lao động, chín chắn trong suy nghĩ và lời nói, đằm thắm trong tình cảm bạn bè… Cô tổ trưởng Nguyễn Thị Khiên nói vui với tôi:

          - Tổ trung hòa chúng em đã “phân công” cô Thúy chăm sóc anh Yêm rồi đấy. Mong nhà báo tiếp sức thêm nhé.

Bữa cơm ấm áp của vợ chồng thương binh Lương Đình Kệch, 73 tuổi. 

Còn Thúy, khi tôi gợi chuyện, cô trầm tĩnh suy nghĩ, rồi nói những lời sâu lắng từ đáy lòng:

- Thật tình, em cũng suy nghĩ nhiều về thương tật của anh Yêm. Nhưng rồi em lại tự nghĩ, thương tật ấy là sự hy sinh cao cả vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của mọi người, trong đó có em. Vậy em cũng phải nên bù đắp cho anh ấy. Em không bù đắp thì người khác cũng sẽ bù đắp…

Từ câu nói “vui” của cô tổ trưởng đến những lời sâu đậm của Thúy, khiến tôi càng vững tin ở chủ đề mình định viết. Còn Yêm, lúc đó đang đi học tại xã Ngọc Quan, (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ). Giữa trưa hè nắng gắt, tôi vẫn hăm hở đạp xe gần 60 km theo con đường đá sỏi gồ ghề dọc bờ sông Lô, để tới Trường trung cấp Công nghiệp thực phẩm, tìm gặp Yêm. Sau khi làm việc với Ban lãnh đạo nhà trường, tôi gặp Yêm tâm sự suốt buổi tối. Tôi thật sự mến phục anh ở đức tính khiêm tốn giản dị, giàu nghị lực trong rèn luyện, phấn đấu vượt qua thương tật… Yêm tâm sự:

- Thành tích và cống hiến của tôi còn quá ít so với sự quan tâm chăm sóc của Đảng và tập thể. Tôi xác định phải tự khắc phục mọi khó khăn của bản thân, phấn đấu học tập thật tốt để về phục vụ nhà máy…

- Thế còn tình yêu với Thúy? - Tôi gợi hỏi.

Hơi ngập ngừng một lúc, Yêm nhỏ nhẹ nói:

- Cũng nhờ sự vun đắp nhiệt tình của tập thể, Thúy đã có lòng thương tôi. Nói thật, lúc đầu, sự mặc cảm về thương tật ở tôi rất nặng nề. Tôi không dám nghĩ gì đến tình yêu. Nhưng sau lần tôi mạnh dạn đi cùng Thúy về thăm gia đình, mẹ và hai em của Thúy cũng rất thương và quí mến tôi. Từ đấy, nỗi mặc cảm trong tôi vơi nhẹ đi dần và càng vững tin ở Thúy.

Tôi động viên, nhắc thêm Yêm:

- Cậu nên tự hào với thương tật chiến đấu của mình mà đón nhận tấm lòng yêu thương chân thành của Thúy.

Thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). 

Chia tay Yêm, tôi lại hối hả đạp xe trở lại Nhà máy mì chính Việt Trì, trình bày thêm với Đảng ủy và Ban giám đốc về ý định bài viết của mình, nhằm tạo được sự “hiệp đồng” chặt chẽ, thống nhất giữa những việc làm của nhà máy và nội dung bài báo định viết. Bởi trong tôi thoáng gợn điều suy nghĩ: Việc chăm lo vun đắp cho mối tình Thúy – Yêm mới ở bước đầu. Điều mọi người mong đợi là ở kết quả cuối cùng… Như hiểu ý tôi, Bí thư Đảng ủy Quang Phong và Giám đốc Lữ Văn Học đều phấn khởi, tự tin và nói:

- Đồng chí cứ mạnh tay viết đi. Nhà máy chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt tình…

Tôi thầm nghĩ, hai tiếng “ủng hộ” của các anh có hàm ý sâu sắc về sự bảo đảm hạnh phúc của Yêm và Thúy sẽ thành công tốt đẹp!

Về tòa soạn, lại được các đồng chí cán bộ biên tập góp ý thêm cách thể hiện, tôi rất vững tâm với chủ đề định viết. Tôi dồn tâm huyết viết một bài với đầu đề “Sống trong tình thương rộng lớn”, đăng gần hết một trang báo QĐND, số 2938, ngày 26/7/1969. Kèm theo bài viết còn có hai tấm ảnh do tôi chụp: Thúy hăng say lao động tại nhà máy, Yêm miệt mài học tập tại trường. Ngụ ý: Hai anh chị đã cam kết thi đua với nhau. Bài báo đã tập trung vào cái “nút” mối tình cao đẹp của Yêm và Thúy, trên nền bức tranh toàn cảnh về ân tình trong công tác hậu phương quân đội của tập thể nhà máy. Đây cũng là bài báo đánh dấu một năm tuổi nghề của tôi.

Gần ba tháng sau, tòa soạn nhận được hai tấm thiếp của Ban giám đốc Nhà máy mì chính Việt Trì, mời đại biểu báo QĐND và tác giả bài báo, tới dự buổi lễ thành hôn của Lê Huy Yêm – Vũ Thị Thúy.

XUÂN ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh