THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:32

Bác sống như trời đất của ta

Bài 1 - Từ lòng ham muốn độc lập tự do của Bác đến khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

1. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hải trình tìm đường cứu nước bằng công việc phụ bếp. Người ra đi mang nỗi đau của người nô lệ mất nước. Người đã dành nửa cuộc đời vượt qua ba đại dương đến bốn châu lục, dừng chân tại 28 nước, bôn ba ròng rã trên đoạn đường ước 20 vạn km, từ những trung tâm văn minh nhất của thế giới tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy. Người đã đi đến kết luận rằng, ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác, ở đâu các dân tộc thuộc địa cũng đau khổ. Thương nước, thương người, thương nhân loại đã hun đúc thành tư tưởng và lòng ham muốn của Người: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Năm 1941, Bác từ nước ngoài về nước để chỉ đạo cách mạng. Người viết thư Kính cáo đồng bào "Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy". Bác thành lập Việt Minh với mục tiêu là "Cờ treo độc lập, xây nền bình quyền". Trong lúc ốm thập tử nhất sinh, Người vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập".

Cách mạng tháng Tám thành công, Bác long trọng khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Trong 30 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, khẩu hiệu "không có gì quý hơn độc lập tự do" đã đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. "Không có gì quý hơn độc lập tự do" không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại.

 Bác sống như trời đất của ta - Ảnh 1.

Bác Hồ thăm hỏi các cụ già khi về thăm Pác Bó (Xuân Tân Sửu 1961).

 "Độc lập mà không đem lại tự do cho dân thì độc lập cũng không có nghĩa gì". Đây là đúc rút của Bác khi Người đi đến nhiều nước tuy có nền độc lập mà dân không được tự do. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam trải qua hàng thế kỷ dưới ách thực dân phong kiến, sống một cuộc sống không có được một tự do tối thiểu nào, bị nô dịch và nghèo đói đến cùng cực. Khát vọng tự do để hoạt động nâng dân tộc mình lên, nâng cuộc sống của mình lên đã trở thành mục đích thiêng liêng của độc lập dân tộc. Giải phóng dân tộc là để đem lại tự do cho Nhân dân. Nhà nước của ta có sứ mệnh lịch sử tạo ra tự do cho dân sống và hoạt động, dân lập ra quyền lực để bảo đảm an ninh và tạo môi trường tự do cho hoạt động sáng tạo của từng cá nhân, mưu cầu một cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc hơn. Đó là khát khao cháy bỏng suốt cả cuộc đời Người.

2. Trước lúc đi xa, Bác còn để lại những lời tâm huyết ước nguyện thiêng liêng: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân". 

Sau khi giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta mới giành được quyền xây dựng một quốc gia độc lập dân tộc. Phải bắt tay vào xây dựng đất nước trong điều kiện rất khó khăn. Cả nước có 3 triệu người đói. Hàng năm, Nhà nước vẫn phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực, bình quân lương thực chỉ đạt 280 kg/người/năm. Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp, chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Năm 1998, sản lượng lương thực đã đạt 31,7 triệu tấn, đưa mức bình quân lương thực lên 400 kg/người/năm, rồi 435 kg/người năm. Năm 2000, nước ta đã có gạo xuất khẩu đứng hàng thứ hai thế giới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8% theo chuẩn cũ. Cuộc chiến về an ninh lương thực là cuộc đấu trí đấu lực của toàn Đảng, toàn dân, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân trên mặt trận cam go này. Ngày nay, "xóa đói giảm nghèo" không còn là vấn đề của mỗi quốc gia riêng biệt mà đã trở thành vấn đề chung, vấn đề mà xã hội bức xúc mang tính toàn cầu, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn nhân loại. Với tinh thần đó, năm 2000, Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên hợp quốc có sự tham gia của 150 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ đã quyết định lấy ngày 17/10 hằng năm, ngày mà 55 năm trước đó (17/10/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chống giặc đói ở nước ta là "Ngày thế giới chống đói nghèo".

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 với bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế để năm 2020 tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,91% - nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% giai đoạn 2011 - 2015. 5 năm qua đã tạo ra khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm và năm 2020, Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.  

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

3. Ở Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với những đích đến cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Học tập Bác là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

Trần Công Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh