CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Vì sao nhiều bác sĩ Việt Nam rất giỏi nhưng vẫn có bệnh nhân chết oan uổng, lãng nhách?

 

Tôi đã nhiều lần khẳng định, khả năng chuyên môn của nhiều bác sĩ Việt Nam không hề thua kém các bác sĩ ở các nước xung quanh, và cả khi so sánh với các bác sĩ ở các nước có nền y tế phát triển.

Tuy nhiên, nhận định của tôi không được sự đồng tình của đa số cư dân mạng, cùng với nhiều bác sĩ người Việt ở nước ngoài.

 

 

Sự không đồng tình đó không phải là không có lí, rõ ràng là những ca chẩn đoán sai một cách ngớ ngẩn, hoặc những bệnh nhân được điều trị chệch hướng đến mức khó tin không phải là hiếm hoi ở Việt Nam.

Trên thực tế thì hệ thống y tế Việt Nam là một hệ thống không ổn định. Bên cạnh những thành công mang tầm vóc quốc tế là những sai sót hết sức ngớ ngẩn. Vừa mới có một bệnh nhân được giật ra khỏi tay thần chết như một kì tích, thì ngay lập tức, lại xuất hiện một bệnh nhân khác, chết một cách lãng nhách, oan uổng.

Tôi đã từng tự hào, rằng bệnh viện nơi tôi làm việc là nơi tập trung những bác sĩ, kĩ thuật viên hàng đầu. Và tôi đã hết sức bàng hoàng và xấu hổ, khi một anh chàng giả bác sĩ, làm việc ở đó hơn 10 năm, và chỉ bị phát hiện khi vợ anh ta tố cáo, vì anh ta quyết định li hôn với cô ấy.

Hệ thống quản lí chuyên môn của chúng ta ra sao mà một người không được học hành về chuyên môn y khoa lại có thể tồn tại ở cái nơi "ngoạ hổ tàng long" cả chục năm trời mà không bị phát hiện? Nghỉ bệnh viện nhà nước 9 năm. Tình cờ, tôi trở thành người đi nuôi bệnh nhân tại một bệnh viện công.

Giám đốc ở đó là bạn tôi, luôn tự hào, rằng bệnh viện được tổ chức rất tốt. Tôi hết sức lúng túng khi trong vai trò người nhà, phải chuyển người bệnh qua giường, dưới sự quan sát và hò hét của cô hộ lí.

Tôi còn lúng túng hơn khi cái đầu người bệnh đầy máu, mà tôi không biết lấy gì để lau. Tôi lúng túng bởi vì 9 năm qua, tôi luôn cho đó là việc của nhân viên y tế.

Một tờ báo thông tin, có trường hợp nhân viên y tế bị tấn công vì yêu cầu người nhà đi lấy xe đẩy bệnh nhân.

Rồi một facebooker kể chuyện, anh ấy đi tìm mãi, không thấy cáng để chuyển cha mình đi chụp phim. Mãi sau thấy một anh thanh niên khoẻ mạnh nằm trên một cái cáng. Thì ra là anh ấy "xí" cái cáng cho người nhà mình. Lại phải xoè tiền ra.

Những chuyện như trên khi kể ra, sẽ có rất nhiều người, từ những nhà quản lí y tế đến các y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lí... đều cho đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Chẳng ai thắc mắc điều ấy cả. Nó cũng giống như chuyện buổi trưa, nhân viên y tế ngồi tại bàn làm việc ăn cơm, rồi trải chiếu nằm ngủ trưa ngay tại phòng làm việc.

Một người bệnh ung thư kể cho tôi nghe câu chuyện của anh ấy. Anh ấy hoang mang cực độ khi không thể nào biết được bệnh mình nặng đến đâu, có chữa được hay không, khả năng sống chết ra sao...

Các bác sĩ cứ "âm thầm" lên kế hoạch cho anh. Anh đến một bệnh viện tư mà theo anh, nó được tổ chức tốt, và khám ở đó.

Các bác sĩ ở bệnh viện tư kia khẳng định, rằng máy móc của họ không hiện đại bằng ở bệnh viện công. Nhưng anh vẫn chấp nhận chữa ở đó, vì các bác sĩ tư vấn cho anh rất cụ thể. Anh có thể mường tượng được quá trình chữa bệnh của mình, và anh đã chọn cái nơi mà anh biết rõ, rằng nó không được trang bị tốt bằng nơi anh khám trước đây.

 

Năm 2014, bố bé N.T.H.Nh (11 tuổi, xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã vô cùng đau đớn khi mất đi đứa con gái. Cái chết của bé là hậu quả tay nghề 'dốt' của bác sĩ ở huyện này. Ảnh: Lao động.

 

Nhiều bác sĩ mổ rất giỏi. Nhưng những bệnh nhân của bác sĩ ấy không biết phải làm gì sau mổ. Chẳng ai hướng dẫn nếu người bệnh không tự tìm hiểu. Thậm chí, khi họ tái khám, một bác sĩ khác phủ nhận hết công việc của bác sĩ trước. Thế là họ rơi vào tay lang băm, hoặc cứ để phần việc còn lại cho may rủi quyết định.

Những thành công về mặt chuyên môn chỉ có thể mang lại kết quả cho người bệnh khi chúng được kết nối lại với nhau trong một hệ thống được tổ chức chặt chẽ.

Việc tổ chức hoạt động của một bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người có khả năng tổ chức, có khả năng kết nối, nên là người giữ vai trò quản lí bệnh viện. Trên tinh thần đó, những người được đào tạo bài bản để quản lí bệnh viện sẽ là những người có khả năng quản lí bệnh viện tốt nhất, bất kể họ có là bác sĩ hay không.

Tuy nhiên, nếu một bác sĩ đã đạt được đến một trình độ nào đó về chuyên môn, họ sẽ không có nhiều thời gian để mà nghiên cứu về quản trị bệnh viện. Lưỡi dao mổ, dù có cực bén, thì cũng khó có thể xắt thịt, chặt xương ngon lành như lưỡi dao phay.

Và có lãng phí không, khi lấy một nhà chuyên môn giỏi, rồi đào tạo, huấn luyện anh ta thành nhà quản lí? Và rồi, anh ấy phải bỏ bớt thời gian làm việc mà anh ta giỏi, để thử nghiệm trong lĩnh vực mới?

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh