CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:39

Bác sĩ nhi lên tiếng trước tình trạng tẩy chay tiêm vắc-xin

 

Thời gian gần đây rộ lên tình trạng “nói không với vắc-xin” xuất hiện ở các bà mẹ bỉm sữa. Nhiều người nói rằng hạn chế tiêm vắc-xin là để tránh nguy cơ con bị tự kỷ, và để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động.

Thậm chí trên mạng xã hội Facebook còn có có nhiều fanpage được lập ra với hàng nghìn thành viên có nội dung không tiêm vắc-xin cho trẻ.

 

Đang xuất hiện tình trạng tẩy chay tiêm vắc-xin cho trẻ.


Đầu tháng 7, khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 có 6 trẻ duy trì sự sống bằng máy thở vì bệnh viêm não Nhật Bản. 
Trước thực trạng này, nhiều bác sĩ chuyên khoa Nhi lên tiếng phản đối và cho rằng đằng sau việc lôi kéo nhiều người không tiêm vắc-xin cho trẻ là có động cơ, trong khi hậu quả để lại cho trẻ rất nguy hiểm.

Trẻ có thể không bị căn bệnh này nếu được chích ngừa. Khi được hỏi về việc trẻ đã tiêm vắc-xin phòng bệnh hay chưa, đa số các phụ huynh đều lắc đầu.

Theo Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 Trương Hữu Khanh, 80% bệnh nhi điều trị tại khoa là do không chích ngừa.

BS Khanh nói rằng việc bài trừ vắc-xin đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng nhanh chóng được chấn chỉnh.

Nhiều nước còn quy định nếu trẻ không chích ngừa sẽ không được tới lớp. Muốn đi học phải kèm theo sổ chích ngừa, tránh gây bệnh cho cộng đồng…

Ở Việt Nam, dù mới xuất hiện gần đây nhưng tình trạng này lan rộng nhanh. BS Khanh nhận định trào lưu anti-vắc xin xuất hiện và rầm rộ khi tình hình dịch bệnh ở mức thấp.

"Nếu nhiều người mắc bệnh ho gà, bạch hầu, sốc bại liệt… thì các hội nhóm tẩy chay vắc-xin không bao giờ xuất hiện" - BS Khanh thông tin.

 

Nhiều trẻ mắc bệnh nguy kịch do cha mẹ thờ ơ với việc chích ngừa vắc-xin.


Những người kêu gọi việc tẩy chay vắc-xin thường dựa vào quan điểm họ không được chích ngừa mà vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên, BS Khanh khẳng định là họ may mắn khi cộng đồng xung quanh họ khỏe mạnh. Còn nếu người đó tới vùng có dịch bệnh, chắc chắn sẽ mắc bệnh.

Người chống vắc-xin thường tìm kiếm thông tin nghi ngờ vắc-xin sẽ đưa lên mạng nhằm phục vụ mục đích của họ.

Năm 2014, hàng chục trẻ em đã tử vong bởi bệnh sởi do không được chích ngừa. Nguyên nhân là do việc bài trừ vắc-xin từ trước đó.

BS Khanh nói thêm, những người tẩy chay vắc-xin thường trong gia đình, dòng họ có trẻ đã từng bị chích vắc-xin và gặp một số vấn đề về sức khỏe mang tính bẩm sinh.

Do không dám thừa nhận vấn đề sức khỏe của con là do bố mẹ nên họ lấy vắc-xin ra làm bình phong giải tỏa tâm lý.

Hiện nay nhà nước có chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân được chích ngừa miễn phí. Miễn phí là Chính phủ bỏ tiền ra để phòng dịch, thay vì phải dập dịch, tốn kém hơn rất nhiều.

Dù tiêm vắc-xin có những phản ứng không mong muốn, nhưng theo BS Khanh đó chỉ là cá thể với tỷ lệ rất thấp.

Vị trưởng khoa Nhiễm - thần kinh khuyến cáo, để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ, các bậc cha mẹ phải tìm hiểu kỹ thông tin, thời điểm chích ngừa cho con và không phải vắc-xin nào cũng cần tiêm ngay lập tức.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh