THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Bác sĩ cảnh báo 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan mật

Gan người là một cơ quan kỳ diệu. Mỗi ngày, nó tạo ra mật, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống của bạn, làm sạch độc tố khỏi máu, phân hủy chất béo, rượu và thuốc, kiểm soát lượng đường trong máu và mức độ hormone, dự trữ sắt và nhiều hơn nữa. Khi cơ quan này hoạt động không tốt, nó sẽ gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn.

Theo Bác sĩ, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, Khoa Gan mật, Trường Đại học Thành phố Osaka, Osaka, Nhật Bản cho biết, có 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan mật mà bạn nên tránh:

25% tổn thương ở gan ở Mỹ có nguyên nhân do thảo mộc: Bác sĩ Việt tại Nhật cảnh báo 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan mật, đặc biệt nhấn mạnh thói quen dùng thuốc - Ảnh 1.

Bác sĩ, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy và các bạn Nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt Nam đã và đang được đào tạo tiến sĩ y khoa tại Nhật.

Phơi nhiễm với độc tố: Trong khi gan chịu trách nhiệm làm sạch chất độc ra khỏi máu, việc tiếp xúc quá nhiều với chất độc có thể gây hại. Đọc nhãn cảnh báo về các hóa chất bạn sử dụng xung quanh nhà và rửa trái cây và rau quả trước khi ăn để đảm bảo bạn không tiêu hóa thuốc trừ sâu.

Thực phẩm chức năng có hại: Chỉ vì một thực phẩm chức năng được dán nhãn là "tự nhiên" không có nghĩa là nó tốt cho bạn - nhiều loại thảo mộc và chất bổ sung có liên quan đến tổn thương gan. Ngay cả ở Mỹ, theo thống kê cho thấy, "25% tổn thương gan là do thảo mộc".  Vì thế, người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng (không theo đơn bác sĩ). Bởi khi bạn dùng nhiều hơn một loại thuốc hoặc thảo dược có tác dụng lên gan có thể làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Uống quá nhiều rượu: Gan nhiễm mỡ do rượu, gây viêm gan (viêm gan do rượu), cuối cùng để lại sẹo (xơ gan) và thậm chí là ung thư gan, là một quá trình bắt đầu với chỉ cần 4 ly (tương đương 4 lon bia 5% loại 350 mL) mỗi ngày đối với nam giới và hai ly đối với phụ nữ. Vào thời điểm bạn xuất hiện các triệu chứng, gan của bạn có thể bị hư hại không thể sửa chữa. Chỉ cần bạn người ngừng uống rượu bia ở giai đoạn gan nhiễm mỡ có thể thấy tình trạng của bạn tự hồi phục.

Béo phì, tiểu đường hoặc Cholesterol cao: Những tình trạng này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, cũng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Cũng như đối với gan nhiễm mỡ do rượu, nó có thể được đảo ngược ở giai đoạn "béo" bằng cách cắt giảm carbohydrate đơn giản như bánh mì và đường và ăn nhiều trái cây, rau và protein.

Tiền sử bệnh gan: Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình đã từng bị bệnh gan, bạn có thể dễ bị các bệnh về gan hơn. Ví dụ, viêm gan B hoặc C và bệnh huyết sắc tố là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Nếu người thân từng mắc bệnh gan di truyền, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố, bệnh Wilson hoặc thiếu alpha-1-antitrypsin, thì bạn nên chú ý đến các triệu chứng. Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bị bệnh gan, bạn cần tránh rượu.

Bác sĩ Thủy cho biết, bệnh gan mật thường ít biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên khi người bệnh thường tìm đến viện, tình trạng bệnh gan mật đã tiến triển nặng, thậm chí đã có biến chứng. Để dự phòng các bệnh lý về gan mật, bác sĩ Thủy lưu ý người dân một số vấn đề như:

25% tổn thương ở gan ở Mỹ có nguyên nhân do thảo mộc: Bác sĩ Việt tại Nhật cảnh báo 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan mật, đặc biệt nhấn mạnh thói quen dùng thuốc - Ảnh 2.

Để ngăn ngừa bệnh gan:

Lối sống, thói quen ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe lá gan. Do đó, bác sĩ Thủy chỉ ra một số điều cần ghi nhớ để ngăn ngừa bệnh về gan như sau:

- Hạn chế sử dụng rượu, bia đồ uống có cồn. Đối với người lớn khỏe mạnh chỉ dùng là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới.

- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ các chủng ngừa viêm gan A và viêm gan B.

- Sử dụng thuốc một cách khôn ngoan, không làm dụng thuốc, dùng thuốc quá liều.

- Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người khác.

- An toàn thực phẩm, an toàn lao động (đối với người phun thuốc diệt côn trùng, diệt nấm, sơn và các hóa chất độc hại khác).

- Duy trì cân nặng hợp lý.

Để ngăn ngừa bệnh về mật:

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, vấn đề chủ yếu là xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể và trên hết là thực hiện chế độ ăn khoa học như:

- Giảm mỡ: Nên hạn chế ăn mỡ vì chất này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày vì khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi. Nếu cholesterol quá nhiều, các acid mật không đủ sức hòa tan thì nó sẽ kết tinh và đọng lại thành sỏi mật. Hầu như các sỏi đều được hình thành từ các cặn sỏi là cholesterol này.

Ăn bao nhiêu cholesterol là đủ, đến nay chưa có câu trả lời chính xác và chưa có một ước lượng quy chuẩn nào nhưng chỉ khuyến cáo là không nên lạm dụng những loại thực phẩm này. Các thực phẩm giàu cholesterol gồm lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật như tim, gan, óc...

- Tăng chất đạm: để gia tăng sự tái tạo của các tế bào gan đã bị tổn thương nhằm chống thoái hóa mỡ tế bào gan.

- Bổ sung thêm đường bột và chất xơ: đường bột là loại thức ăn rất dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến sự bài tiết mật còn chất xơ có tác dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tránh táo bón.

- Tăng cường dùng thực phẩm giàu vitamin C và nhóm B bằng việc đưa vào khẩu phần ăn các loại rau và hoa quả tươi, đây là những thực phẩm rất tốt cho cơ thể.

- Nên hạn chế dùng trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng. 

Hoàng Lan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh