THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:10

Bác sĩ bị bạo hành: Lực lượng bảo vệ chưa đáp ứng được vấn đề an ninh

 

Những con số đáng lo

Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, các vụ tấn công bác sĩ, nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (với 70%), điều dưỡng (với 15%). Trong đó có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Các vụ hành hung bác sĩ đang có nguy cơ gia tăng


Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa để đe dọa, tống tiền bác sĩ và bệnh viện.

Giải thích về nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện gia tăng thời gian qua, ông Khuê cho rằng có lỗi từ hai phía, từ nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân. Ông Khuê lý giải trong khi các nhân viên y tế, các cơ sở khám chữa bệnh có lúc tiếp xúc với người bệnh và người nhà bệnh nhân chưa thật chuẩn mực, chưa cấp cứu kịp thời gây nên bức xúc với bản thân bệnh nhân và gia đình, thì phía gia đình người bệnh cũng chưa thông cảm với các bác sĩ, nên đã xảy ra những vụ “bạo hành”.

Người hành hung chưa nhận thức được hậu quả

Trước tình trạng “bạo lực” ở bệnh viện đang có xu hướng gia tăng đáng báo động trở thành nỗi lo và gây tâm lý hoang mang cho cả đội ngũ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, sự bức xúc của người dân nói chung lâu nay thể hiện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là những vấn đề liên quan đến một số dịch vụ xã hội.

“Riêng đối với ngành Y tế thì liên quan đến sức khỏe tính mạng của con người nên sự bức xúc có thể tăng mạnh hơn so với những lĩnh vực khác. Việc người dân bức xúc, có những hành động côn đồ, có hành vi vi phạm pháp luật phản ánh nhận thức, kiến thức về pháp luật chưa đầy đủ. Nếu họ biết rõ ý nghĩa hậu quả của những hành vi ấy, họ đã không hành xử như vậy, và mức độ sẽ ít nghiêm trọng hơn”, Tiến sĩ Hồng nói.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng


Tiến sỹ Khuất Thu Hồng bày tỏ, không phải đại đa số bác sĩ và cán bộ nhân viên y tế đều “xấu xí” và có cách hành xử không đạt chuẩn, mà là biểu hiện của một số cơ sở y tế, nhân viên y tế có những hành xử không đúng mực khiến cho người nhà bệnh nhân mất niềm tin vào bác sĩ và tạo nên sự xung đột.

Tiến sĩ Hồng chia sẻ qua một số vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ cho thấy thực tế một số bệnh viện quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp, tình trạng nhũng nhiễu, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế và những tai biến y khoa đã hình thành những định kiến, suy nghĩ trong đầu người dân là đến cơ sở y tế dễ gặp phiền hà.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân việc gì cũng có căn nguyên, trước hết các bác sĩ phải xem lại mình đã ứng xử tốt với bệnh nhân chưa, người dân bức xúc vì có định kiến sẵn ở trong đầu, nên có những hành động bột phát thiếu kiềm chế dẫn tới việc hành hung bác sĩ”, Tiến sĩ Hồng nói.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực ở bệnh viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng bản thân người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện đều mang trong mình nhiều nỗi lo, áp lực và sự căng thẳng, bởi vậy thái độ phục vụ, sự cởi mở, chia sẻ động viên và đồng cảm với người bệnh là rất cần thiết.

Công tác an ninh chưa đảm bảo

Đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi bàn luận về vấn đề “bạo lực” trong bệnh viện đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.

Luật sư Đặng Văn Sơn

Theo Luật sư Đặng Văn Sơn, các bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương đều có lực lượng nhân viên bảo vệ, một số bệnh viện có thuê dịch vụ bảo vệ nhưng hầu hết vấn đề an ninh vẫn chưa được đảm bảo. Qua một số vụ việc gây rối trật tự trong bệnh viện xảy ra gần đây, có thể thấy lực lượng bảo vệ chưa đáp ứng được vấn đề an ninh, mà chỉ phục vụ công tác hành chính, kiểm soát tại các cổng ra vào, không đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ nhân viên y tế khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Công an địa phương và bệnh viện vẫn chưa được chú trọng.

Luật sư Sơn đề nghị cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh và thật kiên quyết đối với những đối tượng có hành động côn đồ, đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của bác sĩ. Pháp luật hiện hành quy định, nếu tỉ lệ thương tật của người bị hại từ 11% trở lên thì người hành hung sẽ bị truy tố hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

ĐƯỜNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh