Bắc Ninh: Chủ động xây dựng “văn hóa an toàn trong doanh nghiệp”
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 01:06 - 22/03/2016
Các cơ sở sản xuất, công ty tư nhân cần nêu cao ý thức chủ động trong thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN.
Ảnh: Người lao động làm việc tại xưởng cơ khí công ty Cổ phần nhiệt thủy lợi nông nghiệp Đoàn Trần (Nhân Thắng, Gia Bình).
“Tình hình TNLĐ diễn biến phức tạp, đặc biệt là tai nạn gây chết người vẫn xảy ra nhưng việc theo dõi, phát hiện, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường lao động hiện còn nhiều hạn chế. Năm 2015, chỉ có 66 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gồm: 2 doanh nghiệp nhà nước, 3 công ty TNHH, 8 công ty cổ phần, 53 doanh nghiệp FDI) thực hiện báo cáo công tác ATVSLĐ và chưa đầy 100 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, đo đạc môi trường lao động. So với số lượng doanh nghiệp hiện đang đóng trên địa bàn tỉnh hiện nay là chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Trần Ngọc Đạo, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay.
Để nâng cao ý thức phòng ngừa TNLĐ, thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ - PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thời gian qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm. Trong năm tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ-PCCN tại 20 doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành về pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 60 doanh nghiệp; thanh tra chuyên đề công tác ATVSLĐ tại 19 doanh nghiệp… Qua đó tiến hành lập biên bản yêu cầu khắc phục các vi phạm tại nhiều doanh nghiệp đồng thời tiến hành xử phạt hành chính 13 doanh nghiệp.
Công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ từng bước được đổi mới về nội dung và đa dạng hóa bằng nhiều hình thức. Sở phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn phổ biến các quy định của nhà nước về công tác ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ cho đại diện 70 doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, người làm công tác ATVSLĐ trên địa bàn thị xã Từ Sơn; huấn luyện ATVSLĐ cho 2 doanh nghiệp với 140 lao động làm công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm; triển khai tập huấn xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ cho 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các doanh nghiệp cũng tự tổ chức huấn luyện cho hơn 1 nghìn người sử dụng lao động, gần 8 nghìn an toàn vệ sinh viên và người làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động được áp dụng vào thực tế sản xuất; điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện rõ rệt; các chế độ chính sách về ATVSLĐ được quan tâm thực hiện đúng mức… Những nỗ lực trên đã từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Tuy nhiên cũng theo ông Trần Ngọc Đạo, những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn ở một số lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề, hộ kinh tế… tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát do tâm lý chủ quan, chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt. Trong khi đó việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Để công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ hộ gia đình và cả người lao động cần tự nêu cao ý thức, tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ, hướng tới xây dựng “văn hóa an toàn” vì mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.