THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Bác gieo mầm lộc biếc cho muôn đời xanh tươi

 

Ngày 28/11/1959 Người viết bài báo có tiêu đề “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực (Nhân Dân số 2082, ngày 28/11/1959). Bác đề nghị: “Tổ chức một Tết trồng cây lấy thành tích chào mừng Đảng ta 30 tuổi”. Người viết: “việc trồng cây tốn kém ít mà lợi ích nhiều” “để nước ta trong mười năm phong cảnh sẽ càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân”. Phong trào “Tết trồng cây” đã được khởi xướng đúng Tết Nguyên đán Canh Tý từ ngày 6/1 đến ngày 5/2/1960. Phong trào phát triển nhanh, sôi nổi, rộng khắp, và đã đem lại kết quả tốt.

Để chỉ đạo phong trào, năm nào Bác cũng có bài viết hoặc bài nói về tầm quan trọng của việc trồng cây. Tròn 5 năm phong trào “Tết trồng cây” đã phát triển sâu rộng, miền Bắc trồng được hơn 375 triệu cây và hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ven biển. Bác mở đầu bài viết bằng câu thơ “Mùa xuân là Tết trồng cây/ làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác biểu dương những địa phương có phong trào tốt, đồng thời đưa ra một khái niệm mới “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà cửa cho đàng hoàng . Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ… cần phải đẩy mạnh phong trào tết trồng cây”.

Bác đi nhiều địa phương vừa trực tiếp trồng cây vừa kiểm tra tổ chức thực hiện phong trào ở từng thôn làng. Ngày 26/1/1964 bác về thăm xã Đào Xá (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) Bác khen Đào Xá trồng cây gây rừng giỏi (sau 3 năm thực hiện phong trào Đào Xá trồng được 1 triệu cây lấy gỗ, 400 nghìn cây dứa, gieo 8 tấn hạt chè, phủ xanh đồi trọc). Ngày 16/2/1969, mồng một Tết Kỷ Dậu,  Bác đến thăm và chúc Tết bà con Ba Vì, tới làng Vật Lại Anh hùng, Bác dừng chân nghỉ trên đồi ngắm nhìn Tản Viên, Bác như thấy lòng mình thư thái trước cảnh non xanh nước biếc. Bác đã trồng cây đa trên đồi Yên Bồ, xã Vật Lại. Đây là lần cuối cùng Bác thăm bà con nông dân và trồng cây đa trước lúc người đi xa.

 

Bác Hồ trồng cây.

 

Dường như chưa hẳn yên tâm với việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, nên trước lúc đi xa 7 tháng Bác còn viết tiếp bài báo về “Tết trồng cây”. Ngoài việc biểu dương những địa phương làm tốt, Bác còn phê bình các nơi trồng nhiều mà sống ít, lần này Bác nhắc đến trách nhiệm “chủ yếu là do cấp ủy, ủy ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây”.

 Phong trào “ Tết trồng cây” hơn nửa thế kỷ, trong đó có 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp, mặc dù chưa trọn vẹn theo ý Bác, còn một số địa phương để phá rừng, cháy rừng, trồng cây chưa chăm bón, có khi tổ chức phong trào chỉ là hình thức, nhưng nhiều năm qua đã khẳng định một phong trào đạt kết quả tốt có nhiều ý nghĩa từ nhận thức đến thực tiễn. Và đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Hàng năm, từ các đồng chí lãnh đao đến toàn dân đều tham gia ra quân trồng cây mùa xuân. Nhiều địa phương đã có kế hoạch cụ thể, nhiều chính sách và các chương trình lâm nghiệp được triển khai. Trong giai đoạn từ năm 2013 đén năm 2015, tuổi trẻ các nước đã trồng 2.000ha rừng với 22 triệu cây xanh các loại được đoàn viên trồng mới và chăm sóc

Năm 2017 việc trồng rừng, bảo vệ rừng, chống cháy rừng đã được chú ý hơn nên độ che phủ rừng đã nâng lên từ 41,45% lên 41,6%. Phong trào trồng cây ở các địa phương có nhiếu hình thức mới, thu hút được nhiều người tham gia. Hà Nội là thành phố có nhiều hình thức mới để thực hiên chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thành phố Hà Nội sẽ biến 98 ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Cụ thể, sẽ trồng khoảng 45 nghìn cây xanh trên đại lộ này, trước mắt là trồng khoảng 20 nghìn cây cọ dầu theo 4 luống. Toàn bộ cây xanh được trồng trên Đại lộ Thăng Long được doanh nghiệp tặng. Ngày 2/9/2017 Hà Nội động thổ Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, nhằm từng bước hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, xây dựng thêm 25 công viên. Chương trình 1 triệu cây xanh trồng mới đến năm 2020 đã nhận được sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp, và các tổ chức quốc tế. Như tỉnh Sơn La và Điện Biên tặng 1000 cây hoa ban, Nhật Bản tặng 3.000 cây hoa anh đào... Được biết trong 3 quý đầu năm 2017 diện tích trồng rừng trên địa bàn Thủ đô đạt 34,64ha với 700.000 cây. Kế hoạch năm 2017 trồng 870.000 cây sẽ sớm được hoàn thành 100%. Tính từ năm 2016 toàn thành phố đã trồng được trên 462000 cây các loại, đạt 46,2% mục tiêu chương trình 1triệu cây xanh. Các công sở, trường học, đường phố, công viên, thôn làng đã rợp màu xanh.

Đón xuân Mậu Tuất (2018) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ra chỉ thị Tết trồng cây, nhiều địa phương đã phát động “Tết trồng cây” với nhiều chỉ tiêu cụ thể. Để thực hiện ý tưởng của Bác về xây dựng nông thôn mới, và tri ân việc Bác làm về “Tết trồng cây” chúng ta càng thấm thía rằng con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu cỏ, cây, mây, nước, phải biết giá trị to lớn của thiên nhiên ban tặng. Người kêu gọi nhân dân ta phải bảo vệ rừng như bảo vệ ngôi nhà của chính mình. Ngày nay ‘ngôi nhà chung” của chúng ta đang lên tiếng kêu cứu, thì việc thực hiện trồng cây gây rừng để chống lại nguy cơ biến đổi khí hậu, đặc biệt là phong trào “Tết trồng cây” do Người phát động càng có ý nghĩa biết bao.

TRẦN CÔNG HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh