Bắc bộ oằn mình chống mưa lũ
- Tây Y
- 16:38 - 04/08/2015
Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 2
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai: Mưa lũ cũng làm hơn 3.500 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; 8776,2 ha lúa và 852 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 11.600 gia súc, gia cầm bị chết; 10.871m kênh mương bị thiệt hại; 88 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng; đặc biệt là đoạn từ K56+900-K56+930 đê Hữu Cầu thuộc địa phận xã Hòa Long (TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh) xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông, vị trí sạt lở sát mép mặt đê, chiều sâu cung sạt từ 60-100cm, chiều dài cung sạt khoảng 30m. Về giao thông, có nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng lên tới 138.315 m3, 12 cầu tạm bị cuốn trôi...
Tổng hợp của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cho thấy: Tại Lai Châu, mưa lũ kéo dài gây nhiều thiệt hại ở các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Phong Thổ khiến nhiều diện tích ruộng, hoa màu dọc suối Nậm Bum bị cuốn trôi. Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông liên xã, bản của huyện Mường Tè và Nậm Nhùn vẫn tắc nghẽn cục bộ do đất đá sạt từ taluy đường đổ xuống.
Mưa lũ trong nhiều ngày qua đã cuốn trôi nhiều cây cầu treo ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Tại Tuyên Quang, mưa lũ cũng làm ngập úng gần 400 ha lúa và hoa màu, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Tại Bắc Giang, Lào Cai, mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho người dân. Xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế) có 45 ngôi nhà bị ngập trong nước, trạm y tế xã bị ngập nước, hai ngôi nhà bị đổ công trình phụ, một số nhà dân bị lũ cuốn trôi đồ đạc, tài sản. Tính đến chiều tối 2/8, Bắc Giang có 648 ha lúa, hoa màu bị ngập úng.
“Hiện các tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả, đồng thời lên phương án ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong những ngày tới” - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết thêm.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho đến ngày 4/8, ở các tỉnh miền Bắc vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Riêng khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, Bắc Giang và Tây Bắc có tổng lượng mưa 50-100mm.
Từ ngày 3 – 4/8 trên hệ thống sông Hồng- sông Thái Bình xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 2.
Lực lượng quân đội giúp dân di dời tài sản tại phường Hà Trung – Quang Ninh.
Quảng Ninh: Lũ chồng lũ
Trong khi chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử chưa từng có trong 60 năm trở lại đây (làm 17 người chết, thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng), thì tỉnh này này lại tiếp tục hứng chịu thêm một đợt mưa lũ lớn nữa. Theo ghi nhận của phóng viên, trận mưa lớn đêm ngày 2 và sáng 3/8 đổ xuống Quảng Ninh đã nhấn chìm nhiều nơi của TP Uông Bí, đặc biệt tại khu Công viên Sông Sinh ngập nặng. Khoảng 500 nhà dân bị ngập sâu trong nước và cuộc sống của bà con tại đây lao đao vì lũ lớn. Đường vào khu danh thắng Yên Tử ngập rất sâu. Trước tình thế hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã huy động lực lượng sử dụng máy xúc phá đập tràn cầu Sông Sinh để xả nước cứu dân.
Tại TP Hạ Long, trận mưa đêm 2 và sáng 3/8 cũng đã gây ra nhiều điểm úng ngập, sạt lở. Tại địa bàn phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) tiếp tục có 3 điểm nguy cơ sạt lở cao. Đó là điểm tại tổ 41, 42, khu 4, gây nguy hiểm cho 10 hộ dân; điểm tại tổ 71 và 73, khu 5, ảnh hưởng trực tiếp đến 80 hộ dân và điểm sạt lở sân của một số hộ gia đình thuộc khu 3.
Mưa to đã làm sạt lở đất tại phường Bạc Đằng, TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Tại địa bàn phường Bãi Cháy cũng đã có một số điểm ngập lụt như ở khu 4, khu 10, khu 7, khu 9A. Trong khi đó, một số điểm tại khu 4, khu 7, khu 10 đã xảy ra sạt lở khiến đất tràn vào nhà 4 hộ dân. Trước tình hình này, Đảng ủy, UBND phường Bãi Cháy đã tổ chức di dời 6 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng ở khu 4, khu 10 và 3 hộ ở khu 7.
Cơn mưa lớn tối 2/8 và sáng 3/8 tiếp tục gây ngập lụt nhiều khu dân cư ở các phường Cao Xanh, Hà Khánh. Đặc biệt, khu phố 4, phường Hà Khánh bị ngập sâu do đất đá và than từ khai trường Xí nghiệp Than Thành Công trôi xuống, làm tắc con suối chảy trên địa bàn khu. Sáng 3/8, đường vào phường Hà Khánh (tỉnh lộ 337) bị ngập sâu trong nước ở đoạn chân cầu K6.
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong ngày 2/8, tại huyện Hoành Bồ có 6 xã bị cô lập, tại huyện Ba Chẽ có 5 xã bị cô lập do mưa lũ gây ra.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, hiện đang khẩn trương trực tiếp rà soát, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không di dời khỏi nơi nguy hiểm, không cho người dân quay về chỗ ở cũ khi còn mưa và nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không để người dân bị đói, bị cô lập” Trước tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến nghiêm trọng, ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh Bắc bộ và các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, ổn định đời sống người dân sau mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị trên tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại. Các ngành, địa phương cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn. Triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút... Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lạng Sơn cần có phương án cụ thể về di dời dân Như Báo LĐ&XH đã đưa tin, ngay sau khi chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ cũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, lãnh đạo một số bộ, ngành. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn cần có các biện pháp ứng phó kịp thời với mưa lũ trong những ngày tới. Đặc biệt, cần có những phương án cụ thể trong việc di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn khi mưa lũ xảy ra, kiểm tra vùng núi, các tuyến đường huyết mạch để hạn chế lũ quét, sạt lở núi, gây ách tắc giao thông...” Phó Thủ tướng lưu ý, các cấp, các ngành không được có tâm lý chủ quan bởi diễn biến của mưa lũ rất thất thường và khắc nghiệt, địa phương cần chủ động kiểm tra các khu vực hồ đập nguy hiểm trên tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn. Tỉnh Lạng Sơn cần làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng nguy hiểm để nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh khi mưa lũ xảy ra. |