THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:26

Bà Nương nghề cá

 

Bà Phạm Thị Nương ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cũng từng chịu nỗi đau mất người thân, vượt qua nỗi đau, bà tiếp bước nghề biển mà người chồng đã gây dựng... 

Về các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An hỏi bà Phạm Thị Nương hầu như ai cũng biết bởi bà giỏi giang, nghị lực nhất nhì ở cái làng chài sát chân biển ấy. Ông Nguyễn Hữu Bút, thôn Cổ Lũy Bắc, xã Nghĩa Phú bảo: “Bà Nương góa bụa nhưng làm nghề cá giỏi lắm. Cánh đàn ông chúng tôi theo còn khướt”. Nói rồi, ông Bút liệt kê: Gia đình bà Nương có 6 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, chuyến nào vươn khơi cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tôi tìm về nhà bà Nương trong buổi trưa hè nắng gắt, đang mò mẫm trong con hẻm ngoằn ngoèo thì được bọn trẻ trong xóm lon ton dẫn đường vào tận nhà. Người phụ nữ cao lớn, khuôn mặt tròn trịa phúc hậu ra chào khách, tự giới thiệu mình tên là Nương. Rót nước mời khách, rồi bà kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời “chuyên nghề cá” của mình như một câu chuyện cổ tích vậy. Bà Nương sinh ra, lớn lên ở làng chài Cổ Lũy Nam, thôn Nghĩa Phú. 18 tuổi, bà về làm vợ một anh ngư dân nghèo. Chung sống với nhau được 7 người con (4 trai, 3 gái) thì chồng bà mất trong một lần đi biển. Vượt qua nỗi đau, trách nhiệm với các con, bà Nương miệt mài ngày đêm buôn bán kiếm tiền gia cố chiếc tàu cá người chồng để lại, động viên con trai cả đi học lái tàu, học nghề đánh bắt cá xa bờ để những chuyến tàu cá lại ra khơi...

Bà Phạm Thị Nương và các con, cháu.

Thật kỳ lạ, con tàu gỗ cũ kỹ ấy cứ mỗi lần ra khơi là trúng đậm. Chỉ 2 năm sau, mẹ con bà Nương đã dành dụm đóng được 1 tàu cá mới và người con thứ  cũng theo anh vươn khơi. Được “lộc biển” mẹ con bà lại đóng thêm 2 chiếc tàu cá xa bờ công suất hơn 400CV, trị giá 4,5 tỷ đồng, rồi đội tàu của gia đình lên 6 chiếc, trị giá hơn chục tỷ đồng. Với ngư dân vùng biển, đó là một kỳ tích. Tiếp chúng tôi, điện thoại di động của bà Nương reo liên tục. Ngoài biển xa, bạn hàng mua cá và bán nhiên liệu, lương thực cho 6 chiếc tàu cá của gia đình cứ gọi suốt. Cứ sau một cuộc điện thoại, bà Nương lại giở sổ ghi chép. Những con số viết không thẳng hàng, bởi bà Nương bảo ngày xưa nhà nghèo lắm, học ít, viết xấu, bù lại bà có khả năng tính toán cộng trừ rất nhanh, nhớ lâu và giải quyết tình huống khéo léo. Tính toán hồi lâu, bà cho biết: Từ đầu năm đến giờ, 3 đôi tàu cá đánh bắt xa bờ đã mang về cho gia đình gần 5 tỷ đồng sau khi trừ hết mọi chi phí. Nghe hỏi bí quyết làm ăn, bà cười: “Nghề biển may mắn là chính, sống tử tế trời sẽ thương thôi!”.

Nhà bà Nương toàn phụ nữ và trẻ em, bà giải thích rằng: “Bốn cậu con trai cưới vợ, bốn cô dâu đều ở với tôi, hai cô con gái lấy chồng cũng ở lại với mẹ để sáu người đàn ông (4 trai, 2 rể) đi biển đánh cá. Cả nhà hiện có 16  khẩu, gồm bà và 6 con gái, con dâu, 8 đứa cháu nội ngoại”. Để các con hòa thuận, việc gì bà Nương cũng làm gương cho con cháu. Con cháu có việc gì không phải, bà lựa lời chỉ bảo. Cứ vậy, quanh năm gia đình êm ấm, không lời ra tiếng vào, cãi vã.

Bà Nương dẫn tôi đi thăm hai ngôi nhà mới mà bà vừa làm cho hai người con trai lớn, trị giá 3,3 tỷ đồng, không kể tiền mua đất. “Vợ con trên bờ phải vui thì chồng mới an tâm đi biển. Đúng là xây nhà tiền tỷ ở vùng quê này là bạo gan lắm nhưng đằng nào cũng xây, làm luôn một thể cho các con sau này đỡ phải đập đi xây lại” - bà Nương bảo thế. Còn hai cậu con trai nhỏ tuổi, bà bảo khi nào các con muốn ra ở riêng, sẽ xây nhà cũng tương đương như các anh.

Đội tàu cá 6 chiếc của gia đình bà Phạm Thị Nương giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương, và tới đây sẽ thêm 2 chiếc nữa. Bà Nương bảo: “Không lo về tiền bỏ ra đóng tàu mà chỉ lo khó khăn trong việc tìm kiếm lao động cho tàu cá, tôi hướng mỗi người con trai phải làm chủ ít nhất 2 chiếc tàu cá xa bờ. “Của cải bề bề cũng không bằng cái nghề trong tay”, được cái 4 người con trai đều yêu nghề biển. Đó là cái may mắn lớn nhất, giúp tôi chèo chống cuộc sống của gia đình vượt qua mọi khó khăn...”

HOÀNG NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh