Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Thừa Thiên- Huế cấm tàu thuyền ra khơi
- Tây Y
- 17:57 - 31/07/2020
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến sáng 31/7, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7h, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 1/8, vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động mạnh.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoàn lưu của vùng áp thấp nên từ ngày 1-5/8 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biển 100-250mm/đợt. Trong mưa dông cần đề phòng dông lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, không để xảy ra gián đoạn, bị động trong quá trình phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thừa Thiên - Huế yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống.
Các địa phương cần theo dõi thường xuyên, đồng thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh Covid-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin facebook của Ban Chỉ huy, Bộ Y tế, UBND tỉnh để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn hai mục tiêu kép nêu trên.
Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; Tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ; Thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh.
Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của vùng thấp, mưa lớn để chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa; chỉ đạo các đơn vị chủ động phương án chống úng bảo vệ lúa, hoa màu vụ Hè Thu 2020 và bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.
Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước đang thi công có phương án khơi thông dòng chảy; phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.