THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:56

Ảnh hưởng Covid-19: Vẫn nỗ lực tạo nhiều việc làm cho người lao động

Chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19

Tại Phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2020; kế hoạch, dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN  3 năm 2021 - 2023 thuộc lĩnh vực lao động - người có công và xã hội do Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì, Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, tuy ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng do triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chúng ta vẫn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Dịch Covid-19: Vẫn nỗ lực tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trình bày Báo cáo

Cụ thể, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng cho biết, 9 tháng đầu năm 2020 vấn đề lao động - việc làm (phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động, ATVSLĐ và quản lý lao động nước ngoài, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực) chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Viện dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, lực lượng lao động là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 9/2020, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%.

"Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân mỗi tháng có 99.000 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; cao điểm nhất tập trung vào tháng 5/2020 với 160.247 người, tháng 6 với 137.508 người; số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế", ông Dũng thông tin.

Dịch Covid-19: Vẫn nỗ lực tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Trước ảnh hưởng nặng nề đó của đại dịch, Thứ trưởng Bộ Lao động – TB&XH khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung, toàn ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

"Do triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tình hình kinh tế-xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội, đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (ước tính từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 40.000-50.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động)", ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, ông Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và dự kiến các kịch bản theo diễn biến của đại dịch Covid-19, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động-việc làm (giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ tham gia BHXH) bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19 nên đạt thấp so với cùng kỳ, "còn lại dự kiến đều đạt kế hoạch", ông Dũng nói.

Cụ thể, trong 3 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 có chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 ước giảm còn dưới 3%, giảm từ 1-1,5% so với cuối năm 2019 (đạt kế hoạch).

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 dự kiến trên 4% (không đạt kế hoạch do dịch Covid-29). Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 64,5%.

Giáo dục nghề nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Đáng chú ý, về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Tuấn nêu rõ, trong những tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều cho học sinh, sinh viên nghỉ đề phòng, chống dịch Covid-19; các hoạt động tập trung đông người như truyền thông, hội thảo, hội nghị phải tạm dừng.

Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo; các nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án, trong đó có Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và công tác chuẩn bị tuyển sinh… vẫn được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ Lao động – TB&XH, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành tập trung cho các gói an sinh xã hội cũng như bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao trong bảo vệ quyền lợi, ưu đãi và trợ cấp cho nhân dân.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị làm rõ các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc về giáo dục và đào tạo trong thời điểm bệnh dịch Covid-19 và bối cảnh hội nhập khi tham gia các Hiệp định thương mại mới hiện nay...

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2020 và ước thực hiện năm 2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề nghị gói hỗ trợ an sinh xã hội ước khoảng 62.000 tỷ đồng.

Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.


Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh