CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Anh hùng Liệt sĩ Công An Nhân Dân - Và những chiến công đi vào huyền thoại

Nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi với chiến công đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp 

Cách đây 72 năm, ngày 27/9/1950 tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, điệp báo Nha Công an Trung ương phối hợp với Công an Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp tại biển Sầm Sơn. Với 30 kg thuốc phát nổ, bà Nguyễn Thị Lợi khiến hơn 200 sĩ quan địch tan xác, cùng với đồ chi viện trên chiến hạm Amyot D'Inville chìm xuống vùng biển Sầm Sơn.

Nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi, quê quán ở Châu Phú, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chị gửi đứa con gái đầu 4 tuổi cho mẹ đẻ ở quê rồi bế con nhỏ thứ hai theo chồng ra Bắc. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trên đường đi, bom đạn kẻ thù đã cướp đi người chồng và đứa con thân yêu của chị. Nợ nước, thù nhà đã đưa chị đến gần hơn với lý tưởng cộng sản. Chị được đồng chí Hoàng Đạo, nguyên Trưởng Ty Công an Thanh Hoá giác ngộ và kết nạp Tổ Điệp báo do ông phụ trách.   

Tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi được dựng tượng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa

Tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi được dựng tượng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa

Cuối năm 1947, sau thất bại trong Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông, Chính phủ bù nhìn Bảo Đại được thực dân Pháp quan tâm lập ra âm mưu dùng người Việt trị người Việt, hòng lôi kéo, mua chuộc các thế lực phản động chống phá cách mạng, gây chia rẽ, suy yếu Mặt trận dân tộc thống nhất.

Nắm được âm mưu của địch, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương đã khéo léo tạo vỏ bọc đưa các điệp viên Hoàng Đạo (bí số A13), nguyên là Trưởng Ty Công an Thanh Hóa và Kim Sơn (bí số A14) vào hoạt động trong lòng địch. Với “màn kịch” là thủ lĩnh tổ chức ly khai kháng chiến “Phục Việt quốc gia cách mệnh Đảng” và có một “Chiến khu” ở vùng giáp ranh Thanh - Nghệ, Hoàng Đạo đã gây tiếng vang trong giới tình báo Pháp và sự tín nhiệm tuyệt đối của Bảo Đại.     

 Đầu năm 1950, phát hiện âm mưu đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh của Thực dân Pháp, Ty điệp báo Nha Công an Trung ương đã giao nhiệm vụ cho điệp báo Hà Nội phối hợp với Công an Thanh Hóa lập kế hoạch đánh đắm Thông báo hạm AmiôĐanhvin, một chiếc tàu lớn nhất trong 4 Thông báo hạm của Pháp đang hoạt động ở Thái Bình Dương hiện đang neo đậu ở khu vực biển Sầm Sơn.     

Trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh, đêm 26 rạng sáng ngày 27/9/1950, chị Nguyễn Thị Lợi (bí số A16) đã cùng với tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Đạo, tổ trưởng trong vai “Quốc vụ khanh”, Kim Sơn vai thông ngôn, Lê Mai (tức Chu Duy Kính) trong vai cần vụ. Cùng đi còn có 4 chiến sỹ dân quân làm nhiệm vụ chèo thuyền đưa tổ điệp báo hộ tống phu nhân Quốc vụ khanh lên Thông báo hạm. Sau khi đưa “Phu nhân Quốc vụ khanh” cùng va ly “tài liệu” trong đó chứa hơn 30kg thuốc nổ lên tầu, đoàn đưa tiễn nhanh chóng rời khỏi thông báo hạm vào bờ an toàn.     

Khoảng 30 phút sau, một tiếng nổ long trời vang lên giữa biển khơi. Thông báo hạm Amiô Đanhvin đã bị nổ tung, nhấn chìm hơn 200 sỹ quan, binh lính Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí quân trang quân dụng xuống biển.

Tác giả dâng hương tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi (Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Tác giả dâng hương tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi (Sầm Sơn, Thanh Hóa)

 Trong trận đánh đặc biệt xuất sắc đó, nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi, đã anh dũng hy sinh. Chiến công vang dội này đã làm nức lòng quân dân cả nước, gây xôn xao chính trường quân sự, chính trị nước Pháp; làm cho Chính phủ Pháp phải choáng váng, tướng lĩnh và tay sai hoang mang dao động, nội bộ địch nghi ngờ lẫn nhau. Đây cũng là đòn đánh mạnh, đập tan mưu đồ đen tối của thực dân Pháp tấn công ra vùng tự do Liên khu IV, phá hoại hậu phương kháng chiến của ta.

Chiến công ấy mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam nói chung, lực lượng tình báo CAND và công an Thanh Hóa nói riêng trong thời kỳ còn non trẻ.     

Ghi nhận chiến công và sự hy sinh cao cả của nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi, năm 1995 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Lợi.

Và còn rất nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ CAND với những chiến công huyền thoại như anh hùng liệt sĩ Bùi Thị Cúc, đã hi sinh khi tròn 20 tuổi, với sáu chữ vàng: "Sống anh dũng - Chết vẻ vang" do Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng; đó là anh hùng liệt sĩ Thao Văn Súa quên mình vì dân trong lũ dữ giữa thời bình.

Liệt sĩ Thao Văn Súa quên mình vì dân trong lũ dữ

Sinh ra và lớn lên ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thao Văn Súa (sinh năm 1986), từ nhỏ vốn đã ham học và có ý chí tự lập, sống trách nhiệm và luôn chia sẻ khó khăn với mọi người dân trong bản nên ai cũngquý mến. Tốt nghiệp cấp 3, ý thức được hoàn cảnh của mình, chàng trai người Mông quyết tâm theo con đường học tập để sau này ích cho quê hương, gia đình. 

Thừa ủy quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho thân nhân liệt sĩ Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Thừa ủy quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho thân nhân liệt sĩ Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày đó điều kiện còn khó khăn, cơm ăn còn không đủ no, nói gì đến chuyện học hành. Vì thế, đối với những học sinh là đồng bào Mông như Thao Văn Súa được đi học đã là rất khó, chứ ít ai mơ được đi học đại học. Nhưng vì đam mê nghề công an nên Súa đã chọn con đường tham gia lực lượng công an xã Nhi Sơn.

Năm 2010, anh Súa được bầu làm Phó trưởng Công an xã Nhi Sơn. Năm 2014, anh theo học lớp Trung cấp công an xã và được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Nhi Sơn vào tháng 1/2018. Trong suốt quá trình công tác của mình, Thao Văn Súa luôn là cán bộ gương mẫu, sống hòa đồng, gần gũi với nhân dân và có nhiều triển vọng. Không những thế, anh luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nhận thức, năng lực công tác của mình.

Năm 2017, anh tham gia học đại học tại chức chuyên ngành Quản lý Nhà nước tại trường Đại học VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa. Khi chỉ ít tháng nữa là anh hoàn thành các nội dung chương trình khóa học. Tuy nhiên…ước mơ của anh dang dở.

Trong cơn bão số 3 (ngày 3/8/2019), trước những diễn biến phức tạp, khó lường của mưa lũ, anh Thao Văn Súa được lãnh đạo xã cử đi nắm tình hình và vận động nhân dân ở những khu vực nguy hiểm di dời đến những nơi an toàn để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Khi đi đến khu vực trường tiểu học Nhi Sơn, bất ngờ bị lũ tràn về cuốn trôi và bị đất đá vùi lấp. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, mãi đến sáng 4/8, lực lượng chức năng và người dân mới tìm thấy thi thể anh bị vùi trong đất đá.

Sự hy sinh của Thao Văn Súa để lại nỗi đau mất mát không chỉ riêng gia đình, mà là nỗi đau, sự mất mát chung của chính quyền và nhân dân xã Nhi Sơn. Tri ân sự hi sinh dũng cảm của đồng chí Thao Văn Súa, ngày 20/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định trao Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sỹ cho đồng chí Thao Văn Súa. Ngày 15/7/2022 Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho liệt sĩ Thao Văn Súa.

Thân nhân liệt sĩ Thao Văn Súa

Thân nhân liệt sĩ Thao Văn Súa

Mới đây, vào tối 17/7, tại Hà Nội, thừa ủy quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho thân nhân liệt sĩ Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi lễ, liệt sĩ Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đây là phần thưởng cao quý, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến, đóng góp và hi sinh của Liệt sĩ Thao Văn Súa.

Trong sử vàng truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, của CAND Việt Nam, hơn cả sự hi sinh, nhiều tấm gương liệt sĩ, thương binh CAND đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, trong thời bình cùng với những chiến công huyền thoại của các anh hùng liệt sĩ CANDlưu danh muôn thuở, sống mãi với thời gian, với các thế hệ tiếp nối thế hệ tương lai.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh