THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

Ánh dương của Đảng xua tan mùa đông

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Nhưng vì “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1] nên các phong trào giải phóng dân tộc đã liên tiếp nổ ra khiến kẻ thù phải nhiều phen nguy khốn.

Tuy nhiên, ngọn cờ của giai cấp phong kiến (Phong trào Cần Vương), ngọn cờ của giai cấp nông dân (Khởi nghĩa Yên Thế), ngọn cờ của giai cấp tư sản (Khởi nghĩa Thái Nguyên) không còn đủ sức quy tụ sức mạnh toàn dân tộc. Bởi vậy, các ngọn cờ trên đều lần lượt bị gãy đổ khiến “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”[2].  

Mặc dù vậy, như lời nói trước khi hy sinh vì đại nghĩa của Anh hùng Nguyễn Trung Trực “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây” nên bầu nhiệt huyết cứu nước của người Việt Nam không bao giờ tắt. Nó được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Và, Người đã xuất hiện như một vị cứu tinh của dân tộc. Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[3].

Năm 1908, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy với tên gọi là Nguyễn Tất Thành đang học ở Trường Quốc học Huế. Chính ảnh hưởng của các thầy giáo tân học và những sách báo phương Tây thời gian này mà ý định xuất dương lớn lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành. Sau này, Người nhớ lại lúc đó Người luôn muốn tìm đường cứu nước ở phương trời Tây: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[4]. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô giai đoạn 1923-1924. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của mình trong 30 năm, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia, Người đã nếm trải những mùa Đông khắc nghiệt:

“Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”

(Chế Lan Viên, Người đi tìm đường của nước)

Nhưng Người đều vượt qua vì Người đã “Tự khuyên mình”:

“Nếu không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng”

Ngày 18-6-1919, Người đã thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, gửi “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” cho Tổng thống thứ 28 của Mỹ Woodrow Wilson. “Chủ nghĩa Wilson” với sự hô hào về “quyền dân tộc tự quyết” sau đó được Người đánh giá là “bánh vẽ”, “trò bịp bợm lớn”[5]. Từ đây, Người nhận thức một điều sâu sắc đó là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”[6]. Và, Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây là: “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[7].

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa.

 

Trong hai ngày 16 và 17-7-1920 trên báo Nhân đạo ở Pháp đã đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin với tư tưởng chủ đạo là tất cả vô sản và nhân dân các thuộc địa đoàn kết lại! Qua nghiên cứu Luận cương, Người đã hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Người đã viết: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[8].

Người quyết định phải đến với Quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” (1967), Người nhớ lại: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[9].

Bắt đầu từ năm 1923, sau khi đến Liên Xô, Người theo học Trường Đại học Phương Đông tại Máxcơva.Trường đại học Phương Đông (Trường đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông) thành lập tại Mátxcơva (Liên Xô) năm 1921, theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, nhằm mục đích đào tạo cán bộ cách mạng trước hết cho các nước phương Đông thuộc Liên Xô và các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tại đây, các học viên được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, phương pháp tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Trong thời gian học tập, học viên sẽ được học các môn quan trọng như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị, lịch sử phong trào công nhân quốc tế, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc, v.v.. Tại đây, Người đã viết rất nhiều bài báo, đó là: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” 1-1924; “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” 1924; “Tham luận về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa tại Đại hội Quốc tế lần thứ V của Quốc tế Cộng sản” 1924; “Lênin và các dân tộc phương Đông” 7-1924; “Lênin và các dân tộc thuộc địa” 1925; “Lênin và phương Đông” 1-1926; “Trường đại học phương Đông” 6-1927. Người luôn chỉ ra Lênin và Cách mạng Tháng Mười là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Người viết: “Trong con mắt của các dân tộc thuộc địa, trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức”[10]. Tin theo Lênin, tin theo Cách mạng tháng Mười, Người khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”[11].

Sau khi về hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 11-1924, Người đã lựa chọn và cử nhiều cán bộ Việt Nam sang học tại Trường Đại học Phương Đông. Trong số những cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông, nhiều đồng chí sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...

Đến lúc này, Người đã xác định muốn giải phóng dân tộc “trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức, vô sản giai cấp ở mọi nơi”[12]. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người cũng đã chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Mã Khắc Tư và Lênin…”[13]. Sau này, Người đã nhấn mạnh: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít - lê-nin-nít”[14]. Đảng cách mạng đó được Người sáng lập ngày 3-2-1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 7-2-1930, ngày cuối cùng của Hội nghị, Người đã tổ chức một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn, Người xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ, chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm tháng ấy nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.

 

Chủ nghĩa Mác – Lênin và tinh thần Cách mạng Tháng Mười vĩ đại luôn soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam. Ảnh: internet.

 

Kể từ đó, đúng như đáng giá của Người, “Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[15].

15 năm sau, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á. Người cũng đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của nước Việt Nam mới. Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xem Người là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân. Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”.

Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc ta (1946), trong một bài thơ chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Người khẳng định:

“Tết này mới thực Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.

Độc lập đầy vơi ba chén rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa,

Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ,

Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà

Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc

Những người chiến sĩ ở phương xa”

(Mừng báo Quốc Gia)

Như vậy, con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra để giải phóng dân tộc đã được chứng minh là đúng đắn! Chính vì vậy, sau này, Người đã luôn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng tháng Mười”[16].

Đã 89 năm đã trôi qua, được thành lập, dìu dắt, rèn luyện bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, được vũ trang lý luận bởi chủ nghĩa Mác – Lênin vô địch, Đảng không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đem lại những thay đổi lớn lao cho dân tộc Việt Nam, và cho cả thế giới khi đã tiên phong đi đầu trong việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mới. Hiện nay, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã bởi sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, và của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các đảng viên biến chất khiến chủ nghĩa xã hội trên bình diện thế giới gặp những thử thách nghiêm trọng, tạm lâm vào thoái trào, Đảng vẫn luôn gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi, Đảng xem việc nâng cao đời sống cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời với đó là mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của mình. Điều này thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bởi khi nói về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”[17].

Vấn đề quan trọng hiện nay, là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy. Do đó, việc ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mang tính cấp thiết trong việc làm trong sạch Đảng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Đúng như Người đã dạy: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[18], và “những Chính sách và Nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Đảng ta là đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của một cá nhân nào”[19].



[1] Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[2] Trích: “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[3] Lời đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng ta, do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc.

[4] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Trẻ - Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, tr. 14.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 416.

[6] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb.CTQG, Hà Nội. 2000, tr. 268.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 127.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn  tập, t. 12, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 300.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 137.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 314.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009, tr. 268.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 304.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000,  tr. 585.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011,  tr. 401.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 15, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 392-393.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tập 10, tr. 4.

[18] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 47.

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 9, tr. 298

NGUYỄN VĂN TOÀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh