THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:31

Anh, cô ấy, và sự thỏa hiệp

Đường vắng nên em phóng xe về nhà rất nhanh, vì một sự cố, để quên  tờ giấy khai sinh của đứa con gái phải gửi trường mẫu giáo. Em  đi nhẹ lên chiếu nghỉ cầu thang, chợt nghe thấy anh đang ở nhà, nói với giọng âu yếm qua điện thoại: “Anh nhớ em, cưng ạ”. Em đứng chôn chân xuống đất. Như trời trồng. Như cây chuối  trồng ngược. Câu nói này từng lặp lại trong một điệp khúc anh nói với em ngày xửa, ngày xưa khi chúng ta yêu nhau. Rồi em bỏ đi ngay như chạy chốn sự sợ hãi mơ hồ.

Hôm đó anh về muộn. Gương mặt ánh lên vẻ mệt mỏi, nhưng sự mệt mỏi của mãn nguyện. Khi mà người đàn bà có chồng đã đi qua giường chiếu không khó để nhận ra vẻ mặt ấy vừa qua bão táp mà không được nghỉ ngơi. Anh trong mắt đàn bà em. Em đây. Vợ anh đây, cũng đã từng có giây phút tận hưởng cuộc tình mây mưa với chính người chồng của mình. Nhận ra chân dung anh lúc này chẳng khó khăn gì, cũng như việc nhận ra anh có người thứ ba, và anh cũng vừa giăng hoa ở đâu đó, nhà nghỉ hay khách sạn  trở về, khi đi công tác tại Hà Nam, hay Giao Thủy quê anh.

Em nhìn anh giống như bị một luồng điện cực mạnh, nóng ran chạy khắp cơ thể em, và muốn thiêu đốt em, giá như luồng điện thiêu rụi cơ thể em thì tốt lắm. Và em đã kinh hãi, cố tỏ ra bình thản như không biết gì khi  phải ngồi ăn cơm cùng bàn, phải nói cười với con gái yêu, và nuốt nghẹn. Một đêm rồi nhiều đêm sau mất ngủ. Cuộc chiến tranh lạnh vợ chồng đã bắt đầu. Chỉ có tâm gan như lửa thiêu, ngột ngạt trong không gian nhà nhỏ. Nhiều lúc em muốn điên lên, muốn xé toang hết thảy mọi thứ. Nếu xé được cả không khí em cũng xé.

Minh họa: LVN

Khi đó mới ngoài ba mươi tuổi, đời người vừa đủ chín vừa đủ mặn mòi về nhận thức tình cảm; ấy vậy mà những cuộc cãi vã luôn nổ ra, khi hai ta lôi nhau ra ngồi ở công viên Bách Thảo, để tránh cho con gái yêu nghe thấy. Chúng ta như  hai diễn viên hề, diễn rất dở trong tích chèo thời hiện đại, diễn trong  chính ngôi nhà của mình.

Một ngày mùa đông ảm đạm, khi giặt quần áo của anh, em cũng muốn băm nát quần áo trước khi đi giặt, rồi lại thôi; cố gắng xua đi hình ảnh cô ấy, cố gắng xua đi hình ảnh anh trong tim. Rồi kết quả em vẫn phải giặt là tử tế, để anh đi ra ngoài  nhà trông tươm tất, ai nhìn vào cũng bảo, đó là người vợ tuyệt vời đứng phía sau anh. Ôm cái danh hão này thật kinh hoàng.

Em đã bao lần nuốt khan nước mắt. Khi dậy sớm ra hồ Tây lúc sương còn nhạt nhòa, em khóc khản hơi rồi về nhà. Anh thấy em khản tiếng, cùng đi liêu xiêu, có khi thấy em làm vỡ bát, tự tay đi dọn bếp cho em. Không ai nói với ai câu nào.Nửa năm sau vào mùa cây cơm nguội ra quả, anh có vẻ mặt ân hận biết lỗi với em, dù không dám thú nhận với chính mình. Cô ấy bỏ anh. Cô ấy  có người tình khác giàu hơn anh và ga lăng hơn anh. Bạn em đã cho em hay những thông tin ấy. Em không vui cũng  không buồn. Cuộc chung sống của chúng ta kéo dài hơn hai năm trong vai diễn gia đình hạnh phúc giả tạo đã làm em mệt mỏi, đã làm em tiêu phí hết cảm xúc. Chúng ta không thể ngờ, khi  không có nghề diễn viên mà vẫn vào vai diễn viên  giỏi trong thiên chức làm vợ, làm mẹ. Rồi trong mỗi năm, em vẫn sắm vai  con dâu thảo trong  việc đối nội, đối ngoại để không ai hay biết. Hàng xóm càng không.

Sức khỏe của em xuống dốc không phanh. Một trận mổ nội soi u máu. Một trận sốt huyết dưới da khiến em có thể ra đi bất cứ lúc nào, dù anh đã cứu vãn cuộc hôn nhân của hai ta. Chúng ta cùng thỏa hiệp như hai con dê quay đầu lại với nhau. Cùng thỏa hiệp làm lại từ đầu. Hai con dê sống với  nhau trên núi mỗi người một hoang đảo, mỗi người nhìn đi một hướng, chỉ sống cùng ngôi nhà, với một  lý do giản đơn chính đáng: Tất cả vì hai con thân yêu. Và, em kéo dài thêm mười năm yên ấm nữa; nhưng thi thoảng trong cuộc làm tình, đang hạnh phúc thế, đang êm đềm thế, nước mắt em vẫn cứ chảy ra như chưa bao giờ được khóc. Tổn thương vẫn cứ là tổn thương. Tổn thương không thể chữa được. Nhưng lúc ấy, anh là người từng trải biết vỗ về, biết chở che, biết cúi xuống mà em có sân hận cũng đành lòng tha thứ.

Rồi chưa hết nỗi đau, nỗi đau kéo dài tới lúc em 50 tuổi; lại có một người đàn bà khác xấn xổ yêu anh. Chị ta gọi điện hẹn gặp em, chị ta mặc cả hẳn hoi, ngã giá hẳn hoi để chị ta được yêu anh. Anh đã xử sự rất cao tay trong việc người đàn bà bão táp ấy xuất hiện và lại biến đi mất tăm cùng vài đợt sóng tình khác. Dội lên rất nhanh và lùi đi cũng nhanh.

Hơn năm năm sau. Đến lượt anh ốm dai dẳng và triền miên trong thể trạng rã rời. Anh không còn  hình bóng một vóc dáng tráng kiện, đẹp trai, ga lăng như ngày xưa. Có lần em phải đưa anh đi điều trị ở viện sức khỏe tâm thần, anh như một bóng người ở đâu đó xuất hiện. Cũng may mà em đã tựa vào con gái, con trai chúng ta.

Con là điểm tựa từ những ngày chúng ta đưa nhau ra vườn Bách Thảo cãi vã, xỉ vả nhau. Nhưng không hiểu sao, trong diệu kế của bố mẹ, dù không cãi nhau ở nhà, các con vẫn biết và chúng đã tha thứ cho cả hai ta. Cả cha và mẹ. Có lần em đã đi đến bác sỹ chuyên khoa thần kinh. Bác sỹ Hanh đã giúp em  bình tâm dần dần trở lại. Dù rất khó khăn. Lại có người khuyên, nên  cho anh được chăm sóc ở viện sức khỏe tâm thần. Thực ra khi đó, để trả thù anh thật dễ, nhưng em đã không làm thế. Em  săn sóc anh tại nhà và chịu đủ những trận xung phong đổ vỡ bình hoa, chạn bát, chịu đủ cơn co cứng mê sảng của anh.

Thuốc trị liệu biến anh sang một thể trạng khác, ví như tác hại của thuốc sang người dùng thuốc. Anh ngơ ngẩn và cười hiền lành như trẻ thơ. Có lúc lại tỏ ra yêu em như kẻ điên làm em sợ hãi run rẩy. Bác sỹ khoa thần kinh tư vấn cho em, vì nhà đủ rộng để có thể điều trị cho anh một phòng, nhưng khả năng chữa trị thì rất chậm. Hai năm, chín tháng sau, anh ra đi trong một ngày đông giá rét và mưa tầm tã, người bác sỹ điều trị cho anh nói rằng anh điên nhưng ở dạng tâm thần nhẹ, vì những chấn thương sọ não hồi ở chiến trường, và cả những sang chấn tinh thần khác mà anh không đủ sức vượt qua.

Thế còn em? bác sỹ cho rằng, sức chịu đựng của phụ nữ tốt hơn nam giới về nhiều phương diện. Có khi khóc được cũng là một cách giảm nhẹ đau đớn. Khi nhìn vào lọ tro của anh, em đã nghĩ: “Giá như mình từng trải hơn, hiểu ra sự trăng gió nhất thời của chồng cũng không là gì cả, tha thứ cho nhau thì đỡ khổ biết bao nhiêu”. Nhưng sức nặng của hiểu biết, của sự từng trải phụ thuộc vào lứa tuổi, vào văn hóa xử sự. Đó là cả một quá trình sống học làm người của một người mẹ.

Thi thoảng em gặp lại người  tình cũ của anh. Cô ấy vẫn ăn mặc lòe loẹt giống như cào cào, châu chấu, lúc áo đỏ, áo xanh, khăn vàng. Cô ta còn kể rất hồn nhiên rằng, cô ấy đã bỏ chồng, sống một mình, có cậu con trai học ở bên Úc. Cô ta đã đi học hát ca trù và hát quan họ, để bớt trống rỗng. Cô ta  cười hơ hớ như chẳng có chuyện gì quan trọng trên đời.

Còn em, vẫn nhìn vào mùa đông hanh khô với con đường đầy sương muối, năm xưa anh vẫn trở về cười hiền lành và có lần gục khóc bên cánh cửa chết lặng vì hối hận.

Dù đã tha thứ cho nhau, nhưng em vẫn cân nhắc, trò chuyện với con gái. Hy vọng khi đang yêu, con gái đang hạnh phúc, con có quyền hiểu biết; có quyền quyết liệt. Con sẽ không nhu nhược như thời của mẹ: Thỏa hiệp và cam chịu.

Nhưng mẹ vẫn mong con hạnh phúc, đừng lặp lại phiên bản của mẹ. Và nếu như cuộc sống lặp lại, nếu có gặp hoàn cảnh này, con gái hãy cười lớn để biết cách sống khác đi, không khư khư ôm sầu như mẹ. Con phải sống cho ra sống. Sống ra chữ NGƯỜI hơn. 

Truyện ngắn của Hoàng Việt Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh