Ăn uống, vệ sinh quá sạch làm trẻ yếu ớt hơn?
- Sức khỏe
- 19:16 - 19/07/2017
Trong cuốn sách: “Bẩn là tốt: Lợi ích của vi trùng đối với hệ miễn dịch đang phát triển của trẻ”, ông Gilbert khẳng định, việc cha mẹ cho trẻ ăn uống và sinh hoạt quá sạch như khử trùng núm vú, đồ chơi hay liên tục rửa tay cho trẻ sẽ không tốt, thậm chí làm hỏng hệ miễn dịch của trẻ.
Việc ăn uống và sinh hoạt quá sạch khiến trẻ yếu ớt hơn.
Việc quá sạch cũng ngăn trẻ tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi trong môi trường, vô tình khiến trẻ dễ mắc các bệnh như dị ứng, hen suyễn và bệnh chàm hơn trong tương lai.
Trong xã hội hiện đại, trẻ thường xuyên phải sống trong nhà và mọi thứ luôn được giữ một cách sạch sẽ nhất có thể. Đây là môi trường hoàn toàn khác biệt so với môi trường sống của tổ tiên của chúng ta. Đáng buồn, sự khác biệt này có thể khiến hệ miễn dịch của chúng ta trở nên mong manh hơn.
Ông Gilbert giải thích: "Bạn có những tế bào giống như những “chiến binh” nhỏ trong cơ thể được gọi là bạch cầu trung tính. Khi chúng phải chờ đợi quá lâu và không có việc gì để làm, chúng sẽ trở nên yếu đi và dễ bị tấn công hơn (hay dễ bị viêm hơn). Khi chúng nhìn thấy có một thứ gì đó ở bên ngoài xâm nhập vào, một mẩu phấn hoa chẳng hạn, chúng sẽ dễ bị viêm nhiễm và “phát điên”, đó là khi bạn bị suyễn và chàm bội nhiễm hay dị ứng thực phẩm".
Để thêm bằng chứng cho quan điểm của mình, ông Gilbert đã so sánh hệ miễn dịch của những đứa trẻ lớn lên ở những nông trại nhỏ với những đứa trẻ sống ở các trang trại lớn, công nghiệp hóa. Những trẻ sống ở môi trường nhiều vi khuẩn, thường tiếp xúc đất cát, lại có tỷ lệ bị các bệnh như hen suyễn thấp hơn nhiều.
Bên cạnh đó, ông cũng tham khảo các nghiên cứu gần đây về núm vú giả. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển năm 2013 được công bố trên tạp chí Pediatrics, những bậc cha mẹ "làm sạch" núm vú bằng cách mút bằng miệng của họ trước khi cho bé ngậm, bé sẽ ít bị dị ứng hơn so với các phương pháp khác. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng vi khuẩn vô hại từ nước bọt của bà mẹ kích thích hệ miễn dịch của con họ, tạo ra các biện pháp phòng vệ.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cũng đồng ý rằng các sản phẩm kháng khuẩn có thể "giết chết các loại vi khuẩn bình thường và tăng cơ hội cho các vi khuẩn sống bền bỉ phát triển”. Dù vậy, AAP vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh tốt để tránh bệnh tật.
AAP cho rằng, trẻ nên rửa tay bằng xà phòng thông thường sau khi đi vệ sinh, chơi ngoài trời, chạm vào động vật. Trẻ cũng nên rửa tay trước khi ăn, hoặc thường xuyên rửa tay khi có người trong nhà bị ốm.