CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:06

An toàn lao động trước dịch bệnh nguy hiểm được quy định thế nào?

Tính đến ngày 11/2, trong tổng số 15 ca nhiễm virus corona ở Việt Nam có tới 5 ca là người lao động do một công ty tại Vĩnh Phúc cử sang thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tập huấn trở về; 5 ca là người thân của công nhân này cũng bị lây nhiễm do tiếp xúc gần.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề đảm bảo an toàn lao động, phòng chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, đặc biệt là những nơi có hàng nghìn người lao động, có lao động người Trung Quốc làm việc.

- Hiện, tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng như thế nào đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus nCoV gây ra, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp và mỗi người lao động phải tuân thủ triệt để việc thực hiện các nguyên tắc về phòng chống dịch bệnh.

Trong điều kiện làm việc hiện nay, hầu hết công việc đều được quy định về trang bị các loại phương tiện bảo vệ cá nhân. Nếu chúng ta tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, hướng dẫn về phòng dịch thì vẫn đảm bảo đủ điều kiện làm để việc bình thường.

Dưới chỉ đạo của Chính phủ cũng như việc chủ động sắp xếp tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của các doanh nghiệp, việc sản xuất kinh doanh có thể nói vẫn tương đối ổn định. Hiện chỉ có hệ thống giáo dục đang tạm nghỉ, ảnh hưởng ít nhiều đến việc chăm sóc trẻ em của người lao động.

- Trong môi trường làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động nên rất khó thực hiện khuyến cáo không tụ tập đông người. Vậy doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thế nào để vừa đảm bảo sức khỏe người lao động vừa đảo bảo tiến độ sản xuất?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Hiện chúng ta thấy rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp chủ động có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như trang bị các thiết bị cảm ứng nhiệt, nước rửa tay, phát khẩu trang miễn phí. Ngay bản thân mỗi người lao động cũng đã ý thức tốt các biện pháp phòng bệnh từ nhà, trên đường đi làm và đến nơi làm việc.

An toàn lao động trước dịch bệnh nguy hiểm được quy định thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Chúng ta chỉ lưu ý thêm nữa là cần tuân thủ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ngoài giờ làm việc như giờ nghỉ ngơi hay thời gian bắt đầu, kết thúc khi làm việc thì các doanh nghiệp cũng nên hướng dẫn người lao động làm sao tránh tụ tập, tránh việc trao đổi không cần thiết để hạn chế những việc tiếp xúc.

Chúng ta phải phòng ngừa, loại trừ những trường hợp có biểu hiện triệu chứng của bệnh, đặc biệt cần tăng cường sự thông tin tự khai báo của người bệnh để kiểm soát thêm, hạn chế tụ tập, trao đổi không cần thiết để tránh lây nhiễm trong trường hợp khi chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

- Riêng các doanh nghiệp có lao động hoặc chủ là người Trung Quốc, có nguy cơ lây nhiễm bệnh thì cần thực hiện phòng chống dịch như thế nào để người lao động yên tâm sản xuất?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Bộ LĐ-TB&XH đã quy định việc kiểm soát những người đến từ vùng dịch bệnh, những người đi qua những vùng dịch, đặc biệt là các lao động quản lý là người Trung Quốc quay lại Việt Nam trong các doanh nghiệp.

Chính phủ đã hướng dẫn về phòng dịch, quy định rất rõ một số đối tượng thì không được nhập cảnh, một số đối tượng phải cách ly. Còn những đối tượng đã tuân thủ đầy đủ các quy định, chứng minh được không có dương tính với virus nCoV thì có thể tham gia lao động bình thường.

Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tại các địa phương cũng nên thông báo đến người lao động để họ yên tâm phối hợp làm việc trong doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Xin ông cho biết theo quy định về pháp luật lao động, trong trường hợp nào thì lao động sẽ có quyền nghỉ làm hoặc làm ở nhà để phòng chống dịch? Khi nghỉ làm trong trường hợp này có được tính lương bình thường hay không?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Thực tế với việc chúng ta đang tổ chức phòng dịch, theo quy định của Chính phủ và các quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động vẫn làm việc bình thường.

Còn trong trường hợp có nguồn lây nghi nhiễm hay các ổ dịch xảy ra theo quy định về phòng chống dịch thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố sẽ quyết định việc dừng làm việc một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có khả năng lây nhiễm.

Mặt khác, theo quy định tại điểm đ, Khoản 1 điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động về quyền của người lao động, thì người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương, không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp để có phương án xử lý.

Tại điểm c, Khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm nghiệm tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.

Theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về chế độ tiền lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh nguy hiểm như sau: “Nếu vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Theo đó, nếu được nghỉ việc do dịch bệnh người lao động vẫn có thể được nhận tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại nơi người lao động làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Anh Thơ chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại những doanh nghiệp có lao động người Trung Quốc:

Hồng Kiều (Vietnam+)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh