An ninh bệnh viện: Nhiều lỗ hổng
- Sức khỏe
- 03:07 - 12/05/2017
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Tại Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai; côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình… GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trường hợp ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ trở thành bài học cảnh giác cho tất cả các đơn vị y tế bởi với nhóm đối tượng gần 20 người có hung khí lao vào bệnh viện thì rất khó có thể chống đỡ được. Bên cạnh đó, đây không chỉ là bài học cảnh giác cho bệnh viện mà ở tất cả các đơn vị, nó nói lên một xã hội bất an, chỉ vì xích mích mà sẵn sàng mang dao đi chém giết người khác. Do đó, việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh bệnh viện rất cần được các lãnh đạo bệnh viện quan tâm, phối hợp với cơ quan công an để thực hiện hiệu quả hơn.
Thống kê của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện.Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…
Chia sẻ về những khó khăn của cơ sở y tế trong việc đảm bảo an ninh bệnh viện, BS Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện nằm trên khu vực có tình hình an ninh trật tư tương đối phức tạp vì tập trung nhiều đối tượng nghiên hút, côn đồ, dân trí thấp… Hơn nữa, do tính chất hoạt động nên lượng người ra vào bệnh viện tương đối đông (>1400 bệnh nhân/ngày), là cơ hội tốt cho các đối tượng trộm cắp, côn đồ, cò mồi hoạt động.Trong khi đó, đội ngũ bảo vệ của bệnh viện hiện nay còn yếu, độ tuổi trên 40- 50 chiếm số đông, một số chưa được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ chuyên nghiệp.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, công tác đảm bảo an ninh bệnh viện cũng đang gặp không ít khó khăn. Là một bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, Bệnh viện có nhiều bệnh cảnh phức tạp như bệnh nhân nặng, bệnh nhân tai nạn lao động, tai nạn giao thông đặc biệt là người bệnh đâm chém, bắn giết nhau từ các vụ xung đột, thanh trừng mâu thuẫn của các nhóm đối tượng xã hội đen…“Nhiều khi, chỉ trong vòng 10 - 15 phút hoặc ngay khi bệnh nhân là xã hội đen vào viện, hàng trăm đối tượng khác đã xuất hiện kèm vũ khí nóng vào bệnh viện để thanh trừng lẫn nhau. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bệnh viện chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi, xếp lịch dẫn đến những bức xúc ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Bệnh viện Việt Đức cho hay.
Công tác an ninh chưa được các bệnh viện quan tâm đúng mức
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viên, môi trường bệnh viện quá phức tạp với khoảng hơn 20.000 lượt người lưu thông qua lại. Riêng bệnh nhân nội trú là hơn 5.000 người, ngoại trú là hơn 4.000 người. Nhiều đối tượng lưu manh, côn đồ, lừa đảo, trộm cắp, nghiện hút cò mồi… thường xuyên lai vãng trong bệnh viện nên việc kiểm soát an ninh trật tự rất khó khăn. Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện đã phát hiện 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển 23 đối tượng cho công an giải quyết.An toàn phòng cháy chữa cháy cũng khiến các bác sĩ đau đầu, bởi bệnh nhân và người nhà đốt vía, giải đen ngay trong bệnh viện, gây mất an toàn cháy nổ…
Công tác an ninh chưa được các bệnh viện quan tâm đúng mức
Mặc dù bạo xảy ra thường xuyên trong môi trường bệnh viên, nhưng trên thực tế, chúng ta chưa thực sự coi bệnh viện là điểm yếu về an ninh trật tự, chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn tại đây và do đó, nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống các bệnh viện công mới chỉ tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực khám chữa bệnh chứ chưa tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh trật tự... PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi vì vậy chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, hiện nay chỉ có các bệnh viện lớn mới có sự phối hợp giữa công an sở tại với bệnh viện trong việc cắt cử cán bộ tham gia bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, còn lại chủ yếu thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân. Đồng thời tại một số bệnh viện, nhất là bệnh viện cấp cơ sở, trang thiết bị về an ninh bảo vệ rất hạn chế, thiếu thốn. Chưa kể, việc kiểm soát người ra vào lơ là, không có camera theo dõi, không đeo thẻ ra vào… làm cho các đối tượng phạm tội dễ dàng lợi dụng.
Để giải quyết vấn đề an ninh trật tự bệnh viện, theo Đại tá Phạm Văn Tám, trước hết cần khẳng định, công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm của Ban Giám đốc bệnh viện, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo an ninh bệnh viện, như lắp đặt camera an ninh ở nhiều điểm trong viện, từ khoa, phòng, đường đi, lối lại… để giúp xử lý nhanh các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị, dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng bệnh viện. Lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, cần tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an; lực lượng công an cơ sở cập nhật thông tin an ninh, đối tượng cò mồi, thủ đoạn phạm tội cho bệnh viện…
Đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Xây dựng tiêu chuẩn về bảo đảm cơ sở hạ tầng bệnh viện để phòng ngừa mất an toàn trật tự bệnh viện. Đặc biệt, sẽ bổ sung Luật Nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ…