THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

An Giang: Nghề dệt thổ cẩm giúp người Chăm xóa nghèo, làm giàu

 

Hợp tác xã thổ cẩm Chăm Châu Giang được thành lập vào năm 1999, do ông Mohamad một nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề khởi xướng và làm chủ nhiệm. Theo ông Mohamad schia sẻ, sau bao năm đối mặt với những khó khăn để phục hồi nghề dệt thổ cẩm, nỗi lo lớn nhất không phải là nguyên liệu sản xuất như những năm 80 của thế kỷ trước, mà chính là đội ngũ thợ có tay nghề cao. Chính vì thế sự ra đời của hợp tác xã là rất có ý nghĩa, đã góp phần đào tạo truyền nghề cho những người Chăm yêu nghề dệt thổ cẩm ở 9 làng Chăm An Giang hiện nay. Cũng nhờ sự ra đời của hợp tác xã mà duy nhất làng dệt thổ cẩm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu còn tồn tại duy trì được hơn 40 khung dệt (vào những năm đầu thế kỷ này). Sau hơn 10 năm vừa sản xuất, vừa đào tạo nâng cao tay nghề cho xã viên, đến nay hợp tác xã đã có một đội ngũ thợ dệt thổ cẩm lành nghề, trong đó có người đã dệt được những loại thổ cẩm cao cấp như bông dâu, I kát vân mây nổi tiếng của thổ cẩm Chăm An Giang…

 

Phụ nữ Chăm ngay từ nhỏ đã được truyền nghề quay tơ, xe sợi, nhuộm vải, dệt thổ cẩm nên hầu hết đều có tay nghề thuần thục  

Sản phẩm của hợp tác xã hiện không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩn qua các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Canada…Trong 6 lần tham dự triển lãm “Hàng Việt Nam chất lượng cao” sản phẩm của hợp tác xã Thổ cẩm Châu Giang đều giành được giải thưởng, đặc biệt là hai mặt hàng cao cấp I Kát vân mây và bông dâu được nhiều khách hàng ưa chuộng bán rất chạy. Đồng bào Chăm hiện nay cũng có nhiều sáng tạo mẫu mã trong sản phẩm thổ cẩm của mình, nhằm phụ vụ nhu cầu trang trí nội thất của các khách sạn ở TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang đặt hàng. Thổ cẩm của người Chăm hiện nay cũng đa dạng chủng loại, mẫu mã và khác trước khá nhiều, nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu được sử dụng để dệt thổ cẩm chủ yếu là tơ công nghiệp, nhưng được nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Tại làng Chăm xã Châu Phong hiện có khoảng trên 200 thợ dệt thổ cẩm, nhưng những người thợ dệt được những sản phẩm cao cấp, độc đáo không nhiều. Chị Mahrinêm xã viên hợp tác xã Thổ cẩm Châu Giang là một nghệ nhân số 1 của làng dệt thổ cẩm Chăm hiện nay.

 Với sự khéo léo và lành nghề của những người phụ nữ Chăm ngày nay sản phẩm thổ cẩm truyền thống không chỉ tinh xảo, độc đáo mà còn phong phú về mẫu mã màu sắc.

Chính sự việc tạo ra các sản phẩm cùng với sự quảng bá thương hiệu một cách rộng rãi cả trong và ngoài nước, đã góp phần làm cho sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Chăm ở Châu Phong được nhiều khách hàng chú ý, tìm đến đặt hàng ngày một đông. Nhờ đó, làng dệt thổ cẩm Chăm ngày càng phát triển, đồng bào nơi đây tận dụng thời gian rảnh rỗi có thể dệt tại nhà, rồi đem sản phẩm đến bán cho hợp tác xã, tăng thêm thu nhập. Được biết, một người thợ dệt bình thường cũng có thể có thu nhập từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/ tháng, đời sống của người thợ dệt từng bước được cải thiện, nâng cao. Ông Mohamad cho biết thêm, sự duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Chăm, từ lâu đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương ở An Giang.

  Sản phẩm thổ cẩm Chăm ngày càng được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng đặt hàng và đã xuất khẩu qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần xóa nghèo và làm giàu ở làng Chăm.

 Năm 2008, thực hiện Dự án du lịch phát triển tiểu vùng sông Mê Kông, do ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ nguồn vốn ưu đãi, An Giang đã đầu tư xây dựng loại hình du lịch cộng đồng, với điểm đến là làng dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Từ đó làng dệt thổ cẩm Chăm nơi đây, mỗi năm tiếp đón rất nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và mua sắm. Đây cũng là một động lực góp phần thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển và sáng thạo thêm nhiếu mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, bộ mặt của làng nghề thổ cẩm ngày càng đổi mới, trở thành một trong những làng Chăm có tỷ lệ hộ khá và giàu cao nhất trong số những làng Chăm ở An Giang hiện nay../.                                                                                                                                               

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh