An Giang: Hàng trăm người đổ xô đi xem lũ
- Tây Y
- 03:00 - 01/09/2018
Sáng nay vào lúc 9h, Sở NN&PTNT An Giang chính thức mở cửa xả lũ tại đập Tha La và Trà Sư (huyện Tịnh Biên). Ngay từ sáng sớm nghe tin xả đập, người dân ở huyện Tịnh Biên đã tập trung đông đảo đến xem cảnh nước lũ dâng cao hiếm có. Ngoài những người đến xem cũng có nhiều người dân chuẩn bị chài lưới đến để đánh bắt cá trên các cánh đồng khi nước lũ tràn vào.
Đập Tha La và đập Trà Sư được đưa vào vận hành từ tháng 5 năm 2000, Nhằm điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa hè thu, bảo đảm an toàn sản xuất. Việc xả lũ ở 2 đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên.
Hàng trăm người dân đổ xô nhau đi xem xả lũ
Liên quan đến việc này, ông Trần Anh Thư (Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh An Giang), cho biết, đây là sự thoát lũ ở tứ giác Long Xuyên, được sự thống nhất giữa 2 tỉnh An Giang và Takeo của Campuchia.
“Tại mực nước trên đập trạm ngưỡng 4 m, cao hơn 2 cm so chiều cao đập. Sau khi xả đập, nội đồng trên địa bàn An Giang mực nước sẽ lên từ 3 – 3,5 cm, còn khu vực Kiên Giang và Cần Thơ sẽ cao lên khoảng 2 cm”, ông Thư cho biết thêm.
Liên quan đến việc xả đập trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn ký công văn hoả tốc đến các địa phương có thể bị ảnh hưởng do nước lũ tràn về đề nghị hướng dẫn nhân dân có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
An Giang xả lũ đảm bảo sản xuất cho người dân
Theo thông báo này, nước lũ đã tràn qua 2 đập Tha La và Trà Sư và có xu hướng tiếp tục lên cao. Dự kiến, sau khi xả đập 3 ngày, mực nước ở hạ lưu đập Tha La và Trà Sư tăng từ 50-110 cm. Đến ngày 10.9, dự báo sẽ xuất hiện đợt triều cường dâng nên mực nước đầu nguồn có khả năng lên nhanh. Đến thời điểm này, có 312,7ha lúa hè thu ở huyện Giang Thành bị ngập úng do lũ sớm, trong đó có 258ha bị thiệt hại trên 70%, đây là diện tích sản xuất nằm ngoài đê.