THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Ấn Độ nghiên cứu để thông qua Luật cấm đẻ thuê

 

Theo Báo điện tử VTV.VN, Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, các nhà lập pháp Ấn Độ đang nghiên cứu một dự luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng Ấn Độ kết hôn ít nhất 5 năm mà không có con được phép thuê người đẻ. Tuy nhiên, những người mang thai hộ phải là họ hàng gần của người nhận con, kèm theo các tiêu chí nghiêm ngặt đối với những người mẹ đẻ thuê như di truyền, phòng khám sinh sản, chuyên gia y tế và người hiến trứng hoặc tinh trùng.

 - Ảnh 1Phụ nữ mang bầu xếp hàng để khám thai.

 

Nội dung quan trọng nhất của dự luật là cấm mọi trường hợp thương mại hóa việc mang thai hộ. Dự luật quy định tất cả những người phụ nữ đồng ý đẻ thuê phải xuất phát từ tình cảm, không phải vì những lý do tiền bạc hay vật chất. Các cặp vợ chồng muốn nhờ người mang thai hộ cũng cần nộp đơn xin thuê người mang thai hộ và chứng minh bản thân bị vô sinh.

Baotintuc.vn cho biết, dự luật vẫn chưa được thông qua, nhưng nội dung của nó đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo một bộ phận, đẻ thuê là một chủ đề không phù hợp với đạo đức và quá nhạy cảm để đem ra thảo luận. Đó đơn thuần chỉ là lựa chọn của một cá nhân. Liệu đây có phải là một giao dịch thương mại? Hay xã hội có nên chấp nhận việc đẻ thuê khi có rất nhiều phụ nữ được ủy thác mang thai hộ có nguồn thu nhập đáng kể từ nghề này? Tất cả những tranh luận trên đều vô cùng cần thiết trong việc xem xét và soạn thảo một điều luật hợp lý cho ngành đẻ thuê đang thương mại hóa cơ thể phụ nữ để sinh sản.

Từ năm 2002, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho phép thương mại hóa việc sử dụng phụ nữ để sinh con. Trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ Ấn Độ sinh con cho người khác ngày càng gia tăng. Những người phụ nữ đẻ thuê sẽ được trả mọi chi phí và nhận được khoản tiền bồi thường lớn. Quy định lỏng lẻo này đã làm nảy sinh thuật ngữ phí đẻ thuê khiến nhiều người lo ngại nó đang bị lạm dụng.

Nghiệp đoàn Công nghiệp Ấn Độ năm 2012 ước tính ngành đẻ thuê tại quốc gia này có giá trị lên tới 2 tỷ USD. Hiện nay, có rất ít quốc gia cho phép thương mại hóa việc mang thai hộ. Nga và một số bang ở Mỹ hợp pháp hóa điều này.

Nội dung dự luật mang thai hộ mới của Ấn Độ dựa trên khuôn khổ của đạo luật cấy ghép cơ thể người năm 1994. Đạo luật chỉ cho phép việc hiến tặng xuất phát từ tình cảm. Những người hiến tặng còn sống sẽ được bồi thường cho việc phẫu thuật và chi phí y tế. Việc mang thai hộ xuất phát từ tình cảm sẽ làm giảm áp lực thương mại hóa việc đẻ thuê cho nhiều phụ nữ trong xã hội mang tính bảo thủ như tại một số quốc gia Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ - nơi tình trạng bất bình đẳng giới luôn tồn tại.

Ông Puneet Bedi, bác sĩ phụ khoa tại Delhi cho biết: “    Trong các gia đình Ấn Độ, phụ nữ thường không muốn nhờ mang thai hộ nhưng họ vẫn buộc phải làm điều đó. Họ không may mắn mắc bệnh vô sinh hoặc bị ung thư. Vô sinh không có nghĩa là cần đẻ thuê. Đẻ thuê trở thành một ngành ở Ấn Độ bởi vì không có quy định kiểm soát. Nhiều bệnh nhân còn hỏi tôi rằng có thể giới thiệu người đẻ thuê cho họ hay không. Việc này giống như đến một cửa hàng và yêu cầu một dịch vụ vậy. Đã có nhiều người đã kiếm được hàng tỷ đô la trong ngành này. Họ còn tự quảng cáo bằng cách mời phóng viên đến các cơ sở của mình để giới thiệu về dịch vụ cung cấp nhà ở cho các bà mẹ đẻ thuê, nhưng thực chất nó không khác gì nhà tù. Không chỉ có vậy, các bác sĩ chuyên khoa ngành đẻ thuê cũng xuất hiện trên các kênh truyền hình, khẳng định việc mang thai hộ là quyền con người. Nhưng đó không phải là quyền, không ai có quyền sử dụng cơ thể của người khác để sinh con thay mình cả”, bác sĩ Puneet chia sẻ.

Bên cạnh việc nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới y tế, dự luật đề xuất vấp phải nhiều chỉ trích từ các học giả. Họ cho rằng lệnh cấm thương mại hóa việc mang thai hộ sẽ có thể tạo ra một thị trường chợ đen tương tự như việc buôn bán nội tạng và mại dâm. “Phải thừa nhận rằng bất cứ khi nào có lỗ hổng về nhu cầu và nguồn cung hợp pháp cho bất kỳ sản phẩm nào, thị trường chợ đen sẽ xuất hiện và phát triển mạnh mẽ”, một học giả nhận định.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh