"Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt"
- Tây Y
- 14:56 - 22/10/2020
Không riêng năm nay mà từ nhiều năm trước, cứ đến mùa mưa lũ, người dân, nhất là ở khu vực miền Trung, ngoài nỗi lo về thiên tai còn canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về "nhân tai" do các hồ thủy điện xả lũ. Cùng với đó là tình trạng núi đồi sạt lở ngày càng phổ biến hơn. Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi... Nhiều nơi trước đây là những khu rừng rậm rạp, giờ là những khoảnh đồi, núi trơ trọi, hoang hóa, các liên kết trên bề mặt bị phá vỡ.
"Địa chất khu vực từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã thế, việc san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng... lại càng tác động đến kết cấu địa hình khiến nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ càng cao hơn gấp bội", một chuyên gia về Thủy lợi chia sẻ.
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý. GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, người đã gắn bó gần 60 năm với rừng, chia sẻ: Chúng ta đang để các nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động kiểu tự phát. Các nhà máy lớn thì nhà nước xây dựng và quản lý. Các nhà máy vừa và nhỏ trong 20 năm qua được xã hội hóa, tư nhân làm thủy điện. Như vậy, ta đang phá vỡ quy hoạch của cả con sông. Chúng ta đang đánh đổi môi trường đổi lấy lợi ích kinh tế, hy sinh rừng để lấy năng lượng điện. Người ta gọi đây là buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên.
Chúng ta đang chứng kiến rất rõ sự trả giá vì mất rừng. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Cũng vì mất rừng mà những cơn lũ sẽ đổ thẳng từ thường lưu xuống hạ lưu mà không có gì ngăn cản càng khiến con người khó đề phòng, chống đỡ. Vì mất rừng mà thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng lớn…
Đây là điều không phải các nhà quản lý và nhà khoa học không biết. Rất nhiều người đã lên tiếng về tình trạng phá vỡ quy hoạch thủy điện, các hiểm họa nhãn tiền. Nhưng chưa có giải pháp khả thi, hữu hiệu nào được đưa ra để "xử lý" vấn đề, kể cả giảm số nhà máy thủy điện nhỏ hay bắt buộc các chủ đầu tư thủy điện phải trồng lại rừng…
Chúng ta đã lấy của rừng rất nhiều nhưng trả lại cho rừng được bao nhiêu? Lời nguyền tài nguyên có câu "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt", ngẫm thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ bạc với môi trường sinh thái tự nhiên.