THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:27

Ấm tình làng phong

Nghe bảo ở giữa thành phố Biên Hòa – Đồng Nai có một ngôi làng có những người mắc bệnh phong sinh sống, nhiều người ngỡ ngàng hỏi “thật không”?. Sao lại không thật, ngôi làng ấy còn được gọi là “làng phong giữa phố”, được thành lập bởi Cha xứ Lê Trọng Nhung.

Xót quá nên khổ mấy cũng lập làng cho họ!


Chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 40 km, nhưng làng phong Tam Hiệp là một thế giới u buồn, quy tụ 44 hộ gia đình mang trong mình bệnh tật, đau khổ, họ tha phương cầu thực vì gia đình, xã hội ruồng bỏ mà tập trung về đây sinh sống. Chạnh lòng cho những mảnh đời đáng thương ấy, chúng tôi đã tìm đến đây để chia lửa cho bà con được ấm lòng khi Tết đến, xuân về.

Ban trưa, con đường bê tông dẫn đến làng phong trên trục đường Phạm Văn Thuận đang được sửa chữa, nên xe chúng tôi và xe hàng chở quà Tết cho bà con phải đi đường vòng mới vào được làng. Nghe tin Đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin đến chia lửa và kiểm tra sức khỏe mọi người trong làng nên bà con vui mừng lắm! Họ đã chờ đợi Đoàn từ rất sớm!

Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng đại diện làng phong Tam Hiệp, chúng tôi đã sang gặp cha Nhung bên cạnh nhà nguyện. Cha Lê Trọng Nhung, người lập làng phong đang ở văn phòng làng việc của mình. 91 tuổi rồi, nhưng cha vẫn còn minh mẫn lắm, vẫn luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu những cư dân mắc bệnh phong của mình.

Làng phong Tam Hiệp được thành lập từ năm 1968. Chuyện rằng khi ấy cha Nhung đang ở nhà dòng Phanxico Thủ Đức có việc đi họp ở Biên Hòa. Cha đi ngang qua một ngôi làng nghèo, nhìn thấy có rất nhiều người tàn phế tay chân, ăn mặc rách rưới đi qua đi lại. Tò mò, cha tìm hiểu những con người ấy mới hay rằng nơi đây có 10 hộ gia đình bệnh nhân phong và 8 gia đình tật nguyền khác tập trung lại thôn Tấn Minh, xã Thanh Giản,TP Biên Hòa, thuộc giáo xứ Đa Minh, định cư và sinh sống. Họ là những người dân tứ xứ. Cha Nhung nói: “Nhìn họ, tôi thấy xót quá, nghèo nàn, bệnh tật rồi những cơn đau hành hạ. Xót quá nên khổ mấy tôi cũng quyết tâm lập làng để họ có nơi cư ngụ ổn định!”.

Thương bà con nghèo bệnh hoạn, cha Nhung xin phép nhà dòng đứng ra bảo bọc, chở che đời sống cho họ và làng phong Tam Hiệp hình thành. Ban đầu họ dựng lều, dựng lán và dựa vào nhau tồn tại. Ngày ấy, nghề chính của bà con làng phong là đi ăn xin và cha truyền con nối bằng nghề này. Nói chuyện làng phong Tam Hiệp, ông Trần Minh Hữu (sinh năm 1943), dân gốc Nha Trang (Khánh Hòa), bệnh nhân phong cho biết: “Hồi xưa nơi này gọi là quận Đức Tu, (Đồng Nai), xung quanh khu vực làng toàn là tre và cây rừng âm u. Năm 1977, tôi đặt chân tới, nơi đây vẫn toàn là rừng tre, có lèo tèo vài nóc nhà là anh em phong tật, mù ở thôi. Bà con hồi đó có ai nuôi đâu, tự kiếm sống bằng nghề đi kiếm bọc nhựa, bán vé số. Hồi đó chưa được Nhà nước giúp đỡ, sau này bà con dần dần gia nhập vào làng. Nói cho đúng, hồi đó tui đi lưu lạc, thấy người ta nói ở đây có cho người bị bệnh phong tá túc nên vào ở. Người Nam, kẻ Bắc, đồng bệnh tương lân dựa vào nhau mà sống dưới sự thương yêu, bảo bọc của cha Nhung!”.

 Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân phong

Ngày ấy, làng phong hiếm người lui tới lắm. Mùa mưa đến, cái trường học nho nhỏ ở trước làng cũng phải huy động học sinh đắp một con đê ngăn làng vì sợ nước làng phong chảy sang. Ngày trước bà con ở quanh làng phong họ cũng ngại lắm, có việc cần thiết lắm mới đi qua làng và cái cảm giác sợ lây bệnh cứ khiến họ cắm đầu chạy thật nhanh. Trẻ em trong làng bị cô lập nên cũng chỉ kết bạn với nhau, lớn lên kết thân nhau rồi lấy vợ, lấy chồng cùng ở trong làng luôn.

Thương cảm số phận những người bệnh phong cùi, cha Nhung đã ra tay giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần. Cha cứ đến chỗ này, xin chỗ kia để có tiền, có đồ ăn cho bà con làng phong ăn uống. Cha còn là người kết nối lương duyên nghĩa vợ tình chồng cho không biết bao gia đình nơi đây. Biết ơn, lẫn kính trọng cha, bà con trong làng gọi cha bằng những cái tên trìu mến “Cha đẻ làng phong, Cha tinh thần làng phong”.

Không dừng ở cái ăn, cái mặc mà cha Nhung còn ra sức lo cho cái làng phong có nhà ở đàng hoàng, dựng vợ gả chồng rồi lo cho con cái họ được đến trường. Với cha, đời sống giáo dục ở làng phong được ưu tiên ngay từ đầu thành lập. Hiện làng đã có trên 300 em học sinh học lớp 1 đến 12 và có 5 em đang học đại học. Và các em cũng chính là niềm hy vọng của bà con làng phong. Chỉ về phía nhà nguyện, cha Nhung cười rạng rỡ: “Nhà nguyện này cho bà con có chỗ sinh hoạt này là do tôi cùng thanh niên Tân Mai làm đấy, cho họ có chỗ dựa tinh thần. Bây giờ họ đã ổn định rồi, cứ một tuần thì tôi về đây thăm họ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ mà tìm cách hỗ trợ! Đã qua rồi cái thời gian nan, Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân phong!”.

 

Bây giờ làng phong Tam Hiệp nằm ẩn mình ở khu phố 5, phường Tam Hiệp, (TP Biên Hòa, Đồng Nai), có 44 hộ bệnh nhân phong. Họ chủ yếu là dân Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu. Anh Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng ban đại diện cho biết: “Làng phong chúng tôi có 2 người ân là cha Nhung và ông Lê Quang Năng, nguyên cựu khu phố trưởng khu phố 5. Đời sống của bà con là do cha Nhung phụ trách. Còn điện, đường, trường ở khu phố chính là ông Năng lo cho đó. 77 người là con số bà con trong làng bây giờ thôi. 77 người là 77 cuộc đời, 77 số phận bị virus Hansen đọa đày. Đấy còn là 77 số phận đáng thương! Ngày trước, bà con đông gấp đôi. Đông quá nên chúng tôi phải lập ra ban đại diện để chủ động liên lạc, phân phối các nguồn trợ giúp đến từ các mạnh thường quân, các đoàn từ thiện từ khắp mọi nơi. Qua thời gian, người già cả mất đi, người thì lại sợ người thân phát hiện ra mình sống nơi đây, lại bỏ đi nơi khác nên giờ làng chỉ còn vỏn vẹn 77 người. Bây giờ làng Cùi đã là cái tên trong quá khứ. Người dân khu phố 5 chúng tôi không còn mặc cảm và cộng đồng đã không còn phân biệt đối xử với người bệnh phong nữa. Dân trong làng không còn đi ăn xin nữa. Họ sống chủ yếu nhờ các nghề bán vé số, lượm ve chai và chạy xe ôm. Cuộc sống cũng không phải khốn khổ như ngày xưa nữa!”. 

Hoàng Lê - Vũ Đình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh