CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Âm nhạc cho thiếu nhi đâu rồi?

Ở miền Bắc còn có hẳn một số nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho thiếu nhi mà sau hàng nửa thế kỷ, cho đến giờ tên tuổi họ vẫn còn được nhắc tới: Phong Nhã, Hoàng Long – Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Phạm Viết Bính… Còn ở miền Nam, ngay cả một nhạc sĩ gạo cội, vô cùng nổi tiếng với những bản tình ca như Phạm Duy cũng có những bài hát viết riêng cho tuổi thơ, nhất là loạt bài về “Tuổi” như “Tuổi mộng mơ”, “Tuổi hồng”, “Tuổi thần tiên”… đến giờ nghe lại vẫn thấy xao xuyến.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây rất ít ca khúc xuất sắc viết cho thiếu nhu xuất hiện

Vậy mà bây giờ, âm nhạc cho thiếu nhi sao lại ít ỏi, nghèo nàn đến như vậy? Mặc dù nhiều đơn vị, tổ chức đã đứng ra phát động không ít cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, nhưng dường như trong hơn 20 năm qua vẫn không có tác phẩm nào được phổ biến rộng rãi và “trụ” được trong đời sống. Chủ yếu vì những ca khúc ấy không được trẻ em “thích”. Mà đã không thích thì không thuộc, không hát. Đơn giản vậy thôi!

Trong một dịp trò chuyện với nhạc sĩ lão thành Trần Long Ẩn – CHủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – nghệ thuật TP.HCM, nhạc sĩ nói rằng đang có một “nghịch lý” trong “cơ cấu” ca khúc được sáng tác hiện nay. Đó là trong khi âm nhạc cho người lớn vẫn liên tục được sản xuất với số lượng rất lớn, đa dạng về phong cách, có rất nhiều “kênh” để chuyển tải và chinh phục công chúng, thì âm nhạc dành cho thiếu nhi lại vô cùng èo uột. Hỏi ông, liệu có phải do người nhạc sĩ không tìm thấy cảm hứng để viết nhạc cho thiếu nhi? Ông lắc đầu, cho rằng vấn đề không nằm ở cảm hứng, mà chủ yếu là do không nhiều nhạc sĩ… nghĩ tới việc viết nhạc cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phong Nhã - một trong những nhạc sĩ chuyên viết ca khúc cho thiếu nhi

 “Lẽ ra trong một xã hội phát triển, âm nhạc có điều kiện đi sâu vào đời sống nhiều tầng lớp dân chúng, ngay trong bản thân đời sống của trẻ em cũng phát sinh rất nhiều vấn đề mới, thú vị, thì các chất liệu, đề tài để viết ca khúc cho thiếu nhi phải rất phong phú mới phải. Nhưng đằng này, vấn đề là do các nhạc sĩ không qua tâm đến dòng nhạc cho trẻ em”, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ.

Còn qua trao đổi với một số nhạc sĩ, thì khá nhiều người nói rằng, với họ việc viết nhạc hiện nay không hoàn toàn bắt nguồn từ cảm xúc, từ “nhu cầu tự thân” như thế hệ nhạc sĩ trước đây, mà còn là một “dạng… làm ăn”. Tức mỗi bản nhạc được sáng tác và đưa ra thị trường cũng là một sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Những bản “hit” được đông đảo công chúng đón nhận, được truyền thông “tung hô” có thể mang lại cho nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất những khoản tiền rất lớn. Trong khi đó, nhạc viết cho trẻ em rất khó – nếu không muốn nói là không thể trở thành “hit” và mang lại nhiều tiền bạc, danh tiếng. Đó là một trong những lý do chính khiến cho nhiều nhạc sĩ “không nghĩ tới” việc viết nhạc cho trẻ em.

Trẻ em rất cần có những ca khúc hay, phù hợp với đặc tính lứa tuổi và mang hơi thở cuộc sống đương đại

Có thể nói, trẻ em hiện nay đang “đói” ca khúc chưa từng thấy. Các em chỉ biết hát lại những bài đã có “tuổi thọ” 40-50 năm, chủ yếu tại các hội diễn, còn trong cuộc sống thường ngày thì các em từ độ tuổi mầm non đã toàn nghe nhạc… người lớn – bao gồm cả pop – rock phương Tây hay K-pop của Hàn Quốc, C-pop của Trung Quốc...

Với trẻ em, cảm thụ về thẩm mỹ, bao gồm âm nhạc rất khác người lớn. Việc thiếu đi những ca khúc hay, mang hơi thở của thời đại viết riêng cho trẻ em khiến đời sống tinh thần của cả thế hệ bị thiếu thốn, tâm hồn khiếm khuyết. Vì vậy, mong rằng giới nhạc sĩ – những người làm văn hóa quan tâm hơn tới đời sống tinh thần của trẻ em, hãy coi việc viết và phổ biến ca khúc cho trẻ em như một trách nhiệm, một niềm thôi thúc không thể khước từ, với những người làm nhạc.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh