Ảm đạm chợ Trung thu mùa “Cô-vít”
- Bác sĩ
- 18:53 - 24/09/2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách mua sắm trầm lắng hơn so với mọi năm. Sức tiêu thụ kém khiến doanh thu của các tiểu thương sụt giảm đáng kể.
Tại phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ chơi trong các mùa lễ hội, đồ chơi Trung thu năm nay không được bày bán nhiều.
Bằng giờ này mọi năm, tại các cửa hàng ở phố này, khách mua ra vào nhộn nhịp. Nhân viên bán hàng tất bật lấy đồ, đóng gói đồ cho khách. Một không khí vui tươi, phấn khởi khác hẳn.
Đi dọc dãy phố, một số cửa hiệu thậm chí đóng cửa, một số bày bán rất ít, nhiều hàng tồn năm ngoái.
Cửa hàng bán đồ Trung thu vắng khách. (Ảnh PV)
Gần cuối con phố, cửa hàng lưu niệm to, đẹp nhất phố mang tên The Name cũng không treo đồ chơi ngoài cửa. Khi vào bên trong chỉ có một khách hàng đang mua đồ và chụp ảnh. Các đồ chơi bày bán tại đây có cả đồ truyền thống của làng nghề trong nước lẫn hàng Trung Quốc.
Các mặt hàng đồ chơi phần nhiều xuất xứ từ Trung Quốc. (Ảnh PV)
Ảnh PV
Chị Thủy, nhân viên bán hàng của một cửa hàng lớn cho biết: "Hàng đang tắc ở biên (biên giới -pv) lắm, phải vài ngày nữa mới về được, chưa chắc đã kịp Trung thu".
Đồ chơi nhập ngoại năm nay kém đa dạng hơn mọi năm và giá cả tăng khoảng 10 - 20% do chi phí đầu cao hơn vào nên không nhiều khách hàng lựa chọn.
Một cửa hàng khác cũng trên phố Tô Hiệu tuy nhỏ hơn nhưng lại bày bán nhiều loại đồ chơi khá bắt mắt, nhưng cũng chỉ có vài lượt khách ra vào.
Cửa hàng bày bán nhiều đồ chơi Việt Nam đẹp mắt. (Ảnh PV)
Chủ các cửa hàng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua năm nay thấp hơn hẳn năm trước nên các cửa hiệu này cũng nhập hàng cầm chừng, bán hết đến đâu nhập hàng đến đó.
Chị Linh, chủ cửa hàng You & Me chia sẻ: "Người mua không đông như các năm trước nên chị không dám nhập nhiều. Chủ yếu một số phụ huynh đi mua đèn lồng, đèn ông sao, đồ dán cửa kính… để trang trí lớp học. Đợt Covid-19 vừa rồi, dãy phố này vắng hoe, không bán được hàng nên ế ẩm lắm".
Chị Linh tính tiền cho khách. (Ảnh PV)
Năm nay, người tiêu dùng chuộng đồ chơi truyền thống của Việt Nam như: Đèn ông sao, đầu sư tử, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, trống, đèn lồng… hơn các loại đồ chơi Trung Quốc. Hàng nội địa cũng dễ bán hơn vì thế nhiều tiểu thương đã nhập các loại đồ chơi thủ công được sản xuất tại các làng nghề. Những sản phẩm này gắn liền với văn hóa của Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng nên an tâm về chất lượng, do đó được nhiều người yêu thích.
Đèn lồng giấy nhiều màu sắc bắt mắt. (Ảnh PV)
Đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế trên thị trường. Với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngoài việc các chất liệu được làm bằng tự nhiên như tre, nứa, giấy… đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các mặt hàng còn có mẫu mã đa dạng, nhiều cải tiến, không thua kém hàng ngoại nhập. Hàng sản xuất trong nước cũng là lựa chọn của các cô giáo, phụ huynh, công đoàn công ty… nhằm mang lại cho thiếu nhi một cái Tết Trung thu ấm cúng, mang ý nghĩa dân gian, giúp trẻ hiểu được cội nguồn, văn hóa dân tộc.
Cũng theo chị Linh, năm nay, chị nhập nhiều hàng Việt do vừa rẻ, phù hợp với túi tiền mùa dịch bệnh, lại an toàn cho sức khỏe của các bạn nhỏ. So với các năm trước, giá bán các mặt hàng này hầu như không thay đổi nhiều.
Theo khảo sát, đèn ông sao có giá từ 15.000 – 50.000 đồng/chiếc tùy loại; đầu sư tử loại nhỏ giá 40.000 đồng/chiếc, loại lớn 195.000 đồng/chiếc; trống tiêu loại nhỏ 45.000 đồng/chiếc; đèn lồng giấy từ 10.000 – 30.000 đồng/chiếc; 30.000 – 45.000 đồng/chiếc mặt nạ giấy bồi… Nhiều loại đèn lồng giấy bóng kính với sắc màu xanh đỏ bắt mắt có giá lên tới 200.000 đồng/chiếc cỡ lớn nhưng vẫn được nhiều bạn nhỏ yêu thích.
Một thùng carton đựng đầy đèn ông sao. (Ảnh PV)
Trống tiêu – đồ chơi quen thuộc mỗi dịp Tết Trung thu. (Ảnh PV)
Một chiếc đầu sư tử nhỏ làm thủ công. (Ảnh PV)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, các chủ cửa hàng đồ chơi tại đây vẫn đang hồi hộp, nghe ngóng thị trường chuyển động.