Ám ảnh bị "tẩy chay" ở trường và tác hại không thể lường trước được
- Bác sĩ
- 20:54 - 21/08/2020
Mạng xã hội đang dậy sóng trước sự việc vlogger Giang Ơi tiết lộ chuyện từng bị tẩy chay khi còn học cấp 2 - cũng là một trong những lý do khiến cô hạ quyết tâm sang trời Tây du học. Sự việc được đẩy lên cao trào khi cô giáo chủ nhiệm của Giang Ơi lên tiếng khẳng định không hề có chuyện đó xảy ra, trong khi bạn cấp 2 của Giang thì cho rằng cả lớp chỉ "ái ngại" khi chơi cùng cô. Tất cả chỉ là sự trêu chọc của trẻ con vì cá tính của Giang hơi "dị", hoàn toàn không phải tẩy chay hay bắt nạt.
Trên thực tế, nhiều người cho rằng việc một đứa trẻ bị chúng bạn bỏ rơi, không quan tâm... là một phần tự nhiên của quá trình tương tác xã hội, không có gì phải lo ngại. Nhưng nếu nghĩ như vậy, đó là khi bạn chưa thực sự hiểu rõ về khái niệm "tẩy chay", và những tác hại mà nó có thể mang lại.
Vlogger Giang Ơi chia sẻ về việc từng bị tẩy chay hồi cấp 2 (Ảnh: FBNV)
Tẩy chay là thế nào?
Giáo sư Kipling D. Williams - chuyên gia khoa học tâm lý tại ĐH Purdue (Mỹ) cho biết, nạn tẩy chay bao gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là việc bị lờ đi hoặc khai trừ khỏi nhóm. Tiếp theo khi một người bị xa lánh có các phản ứng nhất định. Và cuối cùng là dẫn đến cảm giác từ bỏ, buông xuôi.
Tùy vào từng cá nhân, các giai đoạn sẽ có những tiến triển khác nhau. Như giai đoạn 2, một số người có thể tìm cách để lấy lại sự chú ý hoặc để hòa đồng hơn, sẵn sàng làm mọi thứ kể cả việc bị sai vặt hoặc bắt chước người khác.
Theo Giáo sư Williams, tình trạng tẩy chay nếu kéo dài có thể dẫn đến giai đoạn 3 - từ bỏ. Người bị tẩy chay sẽ cảm nhận được nỗi buồn rất lớn cùng cảm giác bất lực toàn diện, hoàn toàn có thể dẫn đến trầm cảm hoặc gia tăng các hành vi kích động.
Tại sao tẩy chay là nỗi ám ảnh của học đường?
Trên thực tế, tẩy chay là một dạng của bắt nạt - điều này đã được giới học thuật thừa nhận, tuy nhiên lại có rất ít nghiên cứu thực sự quan tâm đến nó. Rất nhiều báo cáo chỉ đưa nó vào một dạng hành vi thông thường của trẻ con, bởi nó không dễ xác định được giống như bắt nạt về thể chất.
Trong một nghiên cứu của giáo sư Williams có chỉ ra rằng khi một người bị tẩy chay, khu vực não bộ vốn chịu trách nhiệm kiểm soát nỗi đau thể chất cũng bị kích hoạt. Hay nói cách khác, bị tẩy chay khiến con người ta cảm thấy nhói đau. Từ thời thượng cổ, người tinh khôn đã phải sinh sống và làm việc cùng nhau để tăng khả năng sinh tồn. Con người vốn là sinh vật cần đùm bọc và nương tựa, nên việc bị tẩy chay đã đe dọa một trong những nhu cầu căn bản nhất của chúng ta.
Nghiên cứu của ông còn cho thấy, nhóm bạn trẻ trong độ tuổi "teen" chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc bị tẩy chay. Bởi lẽ, đây là giai đoạn chúng ta hình thành cái tôi của mình, khi chúng ta cố gắng tìm ra mình là ai, cùng nhu cầu hòa nhập thể hiện rõ rệt. Việc bị tẩy chay trong giai đoạn này đơn giản là quá kinh khủng, vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ.
Và một khi đã phải chịu đựng sự tẩy chay, một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến mọi mặt. Các hoạt động tại trường sẽ tụt dốc về mặt tổng thể, từ điểm số cho đến các hoạt động ngoại khóa... Nó tác động đến sự tự tin, đến cái tôi, đến lòng tự trọng. Và như đã nêu, một học sinh có thể bị trầm cảm, từ đó dẫn đến các hậu quả đáng tiếc hơn như phản kháng, thậm chí là tự sát.
Làm sao để giúp đỡ các trường hợp bị tẩy chay?
Theo Giáo sư Williams, việc ngăn chặn hoàn toàn nạn tẩy chay là một điều rất khó, và hầu hết chúng ta sẽ có lúc cảm nhận được điều đó. Tuổi teen là một độ tuổi rất nhạy cảm, dễ buồn bã khi bị hiểu lầm hoặc bị cố ý tẩy chay.
Nhưng với người lớn, khi một đứa trẻ tâm sự rằng mình đang bị bỏ rơi, cần phải thực sự quan tâm đến điều đó. Hãy để đứa trẻ có cơ hội nói ra tâm tư của mình, nhưng đừng đổ lỗi hay chỉ ra lý do khiến chúng bị tẩy chay. Dù vì bất kỳ lý do gì, tẩy chay vẫn là hành động gây tổn thương và không thể chấp nhận được.
Dẫu vậy, đừng cố tỏ ra tức giận mà bắt đứa trẻ nói ra tên người đã tẩy chay mình. Thay vào đó, hãy dạy trẻ hiểu được giá trị của bản thân, để có thể tự vượt qua chính mình. Bạn có thể giúp bằng cách để đứa trẻ có những mối quan hệ xã hội khác, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tìm đến những người bạn mới ngay trong trường. Và quan trọng nhất, đứa trẻ phải hiểu rằng dù không thể thay đổi được cách cư xử của người khác, vẫn có thể tự kiểm soát thái độ của bản thân với nó.