Ai cũng nói bong nút nhầy là sắp sinh con, vậy hiện tượng này nhận biết như thế nào?
- Bác sĩ
- 17:58 - 02/06/2020
Dịch nhầy hay chất nhầy ở cổ tử cung thực ra là ống chất nhầy nằm ở cổ tử cung có tác dụng ngăn vi khuẩn xâm nhập, tập hợp các niêm mạc tử cung dày lên tạo thành một nút bảo vệ hiệu quả. Chất nhầy được tạo ra trong quá trình rụng trứng để giúp tinh trùng đi qua cổ tử cung và tạo môi trường lý tưởng cho quá trình thụ tinh với trứng. Sau khi thụ tinh, chất nhầy sẽ giống như chiếc nút đóng cổ tử cung để bảo vệ thai nhi khỏi vi khuẩn xâm nhập.
Bong nút nhầy là gì?
Chất nhầy cổ tử cung khi mang thai là một trong những yếu tố tiêu biểu liên quan đến thai kỳ. Nhờ hormone progesterone, chất nhầy đặc lại và liên tục được tiết ra trong suốt thai kỳ. Trong chất lỏng dính, dày đặc này là các kháng thể có thể bảo vệ thai nhi đang phát triển khỏi nhiều vi khuẩn, vi rút và các tác nhân gây bệnh khác. Nút này sẽ bong ra và thoát qua âm đạo của người mẹ trước khi dạ con bắt đầu co thắt. Nếu không có nút nhầy, việc duy trì thai kì sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Quá trình mang thai, âm đạo cũng thường tiết ra dịch màu trắng không mùi như lòng trắng trứng gà. Tuy nhiên, khác với dịch âm đạo này, nút nhầy thường đặc hơn, trông như thạch và có lẫn chút máu đỏ tươi.
Nút nhầy được hình thành từ dịch tiết của cổ tử cung và có độ đặc sệt. Thỉnh thoảng chất nhầy trong suốt hoặc nhuốm chút máu đỏ tươi hoặc hơi có màu nâu, màu kem, có thể đặc và dính. Dịch nhầy có thể chảy ra nhiều cùng lúc, liên tục hoặc lắt nhắt từng chút trong vài ngày mới dứt mà không có màu hay mùi gì.
Khi sắp chuyển dạ, cổ tử cung bắt đầu mỏng và giãn ra để có thể mở hoàn toàn cho đầu em bé chui ra. Sự kéo giãn này có thể làm rách các mạch máu nhỏ ở cổ tử cung khiến chất nhầy bị nhuốm chút máu thoát ra ngoài âm đạo, hiện tượng này gọi là bong nút nhầy. Do đó, một chút máu lẫn trong dịch nhầy hoàn toàn bình thường và mẹ không cần quá lo lắng.
Dịch nhầy này ít khi chảy ra, trừ khi bị vỡ ối. Khi đó, chất nhầy có thể bị lẫn vào dịch ối và không còn trong suốt như lúc bình thường. Khi người mẹ phát hiện có chất nhầy thoát ra qua âm đạo trong tháng cuối thai kì, điều đó có nghĩa là quá trình chuyển dạ sắp bắt đầu. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã sẵn sàng cho việc sinh nở nhưng vẫn không xác định chính xác khi nào. Hiện tượng này có thể xem là sự tiết dịch âm đạo khá nhiều, hoàn toàn bình thường trong lúc mang thai, nhất là những tuần cuối thai kỳ. Một số mẹ sẽ có cảm giác đau dai dẳng ở vùng bụng dưới khi chất nhầy chảy ra.
Bác sĩ Adeeti Gupta, người sáng lập Trung tâm y tế Walk In GYN Care tại New York (Mỹ) cho biết: "Sự thay đổi hormone cũng khiến cổ tử cung mềm ra, dẫn tới việc giải phóng chất nhầy. Chính chất nhầy này sẽ giúp em bé đi qua cổ tử cung dễ dàng hơn."
Một số trường hợp với dịch nhầy mẹ cần lưu ý như sau:
- Chảy dịch nhầy là một hiện tượng bình thường không đáng lo ngại. Nhưng bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu bạn thấy tử cung co thắt hoặc có ra máu kèm dịch nhầy, hãy đến các cơ sở y tế ngay.
- Dịch nhầy xuất hiện không có nghĩa là bắt đầu chuyển dạ. Thời gian chuyển dạ thực sự có thể còn vài ngày hay thậm chí vài tuần, khi người mẹ thấy đau và các cơn co thắt thường xuyên hoặc bị vỡ ối chứ không phải khi thấy có dịch nhầy chảy ra.
- Nếu dịch nhầy thoát ra, thai nhi vẫn được bảo vệ trong túi nước ối. Ngay cả khi túi ối vỡ, thai nhi vẫn an toàn. Dịch nhầy tạo ra một lớp bảo vệ khác nhưng ngay cả khi lớp bảo vệ đó không còn, cả bé lẫn mẹ vẫn không bị ảnh hưởng.
- Nếu mẹ thấy có nhiều dịch nhầy tiết ra trong nhưng tháng đầu mang thai thì cần chú ý bởi nguy cơ sinh non có thể xảy ra.
Nguồn: Family, Parent