Á quân The Voice Hoàng Dũng: "Lấy được cái vỗ tay của khán giả là rất khó"
- Bác sĩ
- 14:15 - 13/06/2020
Mới đây, chương trình "Những mảng màu cuộc sống" lên sóng với khách mời là ca sĩ Hoàng Dũng - Á Quân cuộc thi Giọng hát Việt 2015.
Sau khi thử sức ở hai cuộc thi âm nhạc, Hoàng Dũng hoạt động như một nghệ sĩ độc lập và cho ra mắt nhiều ca khúc về chủ đề tình yêu như Đôi lời, Chẳng nói nên lời, Nép vào anh và Nghe anh hát...
Anh được khán giả yêu thích và truyền thông ưu ái tặng cho biệt danh Hoàng tử tình ca. Trong talkshow, Hoàng Dũng đã có nhiều chia sẻ về chặng đường hoạt động nghệ thuật và những dự định trong tương lai.
Bắt đầu sáng tác từ năm lớp 9
Đối với tôi, theo đuổi âm nhạc cũng như mình đang khám phá bản thân mình mỗi ngày, tôi không quá quan trọng khán giả sẽ gọi mình là ca sĩ, nhạc sĩ hay cái gì khác mà muốn khi mọi người nhớ đến cái tên Hoàng Dũng, sẽ nhớ đến những sản phẩm mà tôi làm.
Tôi đã có một quãng thời gian khá lâu làm quen với việc sáng tác nhạc. Tôi viết ca khúc đầu tiên năm 2009, lúc đó tôi học lớp 9, tôi viết nhạc trong diễn đàn dành cho các bạn trẻ yêu nhạc, underground.
Đến bây giờ, hơn 10 năm rồi, tôi đã tích lũy được kinh nghiệm nên không quá bỡ ngỡ, khó khăn trong việc viết nhạc.
Ngày xưa, tôi nghĩ gì trong đầu là viết ngay, cái đó sẽ có lợi thế là chân thật, thuần khiết với cảm xúc. Những ca khúc đó tôi nghe chỉ được vài tháng thôi, tôi không hài lòng vì sản phẩm còn những thiếu sót.
Ca khúc "Đi đâu để thấy hoa bay" là một phần thi của tôi trong chương trình Sing my song 2016, tất cả các thí sinh sẽ sáng tác trong 24h theo chủ đề mà HLV đưa ra.
Mọi người khen ca khúc đó hay, nhưng đó chỉ là một giây phút xuất thần của tôi thôi. Tôi thấy bài hát đó ổn, nó cũng là một phần câu chuyện của tôi được gửi đến khán giả.
Tôi nghĩ một bộ phận khán giả đang hứng thú với âm nhạc dân gian, được nhiều nhạc sĩ khai thác. Đó là một tín hiệu rất tốt vì chất liệu dân gian là một bản sắc của đất nước.
Tuy nhiên, kiến thức của tôi về âm nhạc dân gian còn rất hạn chế, nên để bản thân có thể tự tin bước vào dòng nhạc dân gian thì cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, còn bây giờ đối với tôi nó chỉ là một sự thử nghiệm.
Hoàng Dũng bên HLV Thu Phương.
Năm 2018, tôi không có hoạt động gì nhiều mà dành thời gian trau dồi thêm kỹ năng hát. Tôi có thói quen là khi có vấn đề gì muốn tìm hiểu thì sẽ hỏi han bạn bè hoặc tự tìm tòi theo cách của riêng bản thân. Tôi thấy đó cũng là sự thú vị trong công việc của mình.
Công việc của tôi cần rất nhiều thứ phải quan tâm như hát, sáng tác, phong thái xuất hiện trên sân khấu, năng lượng truyền đạt cho khán giả... tôi cần phải học rất nhiều.
Giai đoạn đó mà vừa xảy ra chắc tôi sẽ rất khủng hoảng, nhưng rất may là thời gian đó tôi có bạn bè, người thân, những người tôi tin tưởng đã cho tôi rất nhiều lời khuyên và tiếp cho tôi năng lượng.
Suy nghĩ tích cực thì năm nay tôi mới 25 tuổi và trải qua 5 năm ca hát chuyên nghiệp. Trong 5 năm đó, tôi tạm hài lòng với những gì mình đã làm được và rất hy vọng sẽ làm được nhiều điều hơn nữa trong những năm sau.
Lấy được cái vỗ tay của khán giả là rất khó, cần thủ thuật
Tôi rất vui vì những ca khúc tôi ra mắt trong năm 2019 nhận được rất nhiều tình cảm tích cực từ khán giả. Trước đó, mọi người nói ca khúc hay nhất của tôi là Yếu đuối trong chương trình The Voice.
Nhưng sau khi tôi ra mắt những ca khúc mới, nhiều khán giả đã đến với tôi và nhớ đến tôi nhờ những sản phẩm mới như Nép vào anh và nghe anh hát. Gu thẩm mỹ trong âm nhạc của tôi cũng khác hơn rất nhiều, tôi rất trân trọng những thành công đó.
Tôi quyết định làm series Hoàng Dũng Live session vì tôi rất thích hát live cho khán giả nghe, phong cách đó cũng mới ở Việt Nam. Tôi thấy mọi người rất hào hứng và bày tỏ cảm xúc rất mãnh liệt.
Nghệ sĩ chúng tôi hay trêu nhau là đôi khi muốn lấy được cái vỗ tay của khán giả là rất khó, cần thủ thuật vì người ta nghe mình hát nhưng chưa chắc đã sẵn sàng vỗ tay cho mình. Nhưng nhờ những nền tảng trực tuyến, mọi người có thể ở nhà nghe và thoải mái bày tỏ cảm xúc của mình.
Điều khó khăn nhất đối với bản thân tôi có lẽ là làm thế nào để không đánh mất bản thân mình, có nghĩa là làm thế nào để khi khán giả nghe, có thể nhận ra đây là nhạc của Hoàng Dũng, cá tính của Hoàng Dũng.
Trong thời đại 4.0, một người nghệ sĩ vừa cần cập nhật liên tục, vừa phải giữ được chất riêng của mình là một thử thách rất cam go.
Âm nhạc của tôi sẽ giúp mọi người chậm lại, chiêm nghiệm và suy nghĩ ra những giờ phút mọi người quay cuồng với nhịp sống hiện đại. Mọi người hay nói nghe nhạc của tôi cảm thấy bình yên.
Tôi có rất nhiều dự định, mong muốn trong thời gian sắp tới nhưng việc tôi đang khám phá bản thân mình trong âm nhạc còn rất mới mẻ nên tôi chưa muốn áp bản thân mình trong một hình mẫu cụ thể nào quá.
Chỉ mong là trong thời gian sắp tới, mọi người vẫn nhớ đến với tôi là một nghệ sĩ độc lập, tự sáng tác, tự hát và gửi đến khán giả những âm nhạc mang đậm cá tính. Hy vọng sau khi đón nghe những sản phẩm này, mọi người sẽ tự đặt tên, định hình phong cách âm nhạc sắp tới của tôi.