CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:17

A dua theo trào lưu chữa trị bệnh bằng những cách “quái đản”: Nhiều người vẫn mất mạng vì niềm tin mù quáng

Thực dưỡng chữa ung thư là một tội ác!

Đã một thời gian khá dài, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những bài viết tuyên truyền về cách chữa bệnh ung thư từ phương pháp thực dưỡng. Không những vậy, nhiều người còn tự xưng mình là chuyên gia thực dưỡng, khẳng định y học hiện đại không thể chữa khỏi bệnh ung thư nhưng nếu làm theo phương pháp thực dưỡng thì hoàn toàn có thể.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 1.

Một người đang chia sẻ về thực dưỡng.

Trước lời mời gọi đầy hấp dẫn này, không ít bệnh nhân đã tin tưởng làm theo, kết quả là phải trả giá bằng cả tính mạng.

Mới đây, một nữ bệnh nhân (59 tuổi, Hà Nội) mất mạng sau 2 tháng bỏ thuốc điều trị tiểu đường, chỉ ăn gạo lứt, muối vừng và ngồi thiền để… chữa bệnh. Theo gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường cách đây 2 năm và duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê. Nhưng gần đây, bệnh nhân đột ngột ngừng thuốc để chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng lan truyền trên mạng. Hậu quả, bệnh nhân bị suy kiệt nặng, sau 2 tháng sụt 7kg, tình trạng đau bụng tăng dần, đến khi không chịu nổi mới vào bệnh viện cấp cứu.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 2.

Theo GS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, bệnh viện đã từng có trường hợp tử vong do áp dụng chế độ thực dưỡng. Bệnh nhân là chị L.T.H. (38 tuổi, là giáo viên ở Hà Tĩnh). Chị H. được chẩn đoán mắc ung thư vú nhưng không điều trị tại bệnh viện mà chọn cách chữa ung thư bằng phương pháp thực dưỡng. Đầu năm 2019, sức khỏe chị H. suy kiệt, sụt cả chục cân, khó thở. Gia đình đưa chị vào viện cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Đã có rất nhiều bác sĩ bức xúc trước cách trị bệnh phản khoa học này, thậm chí, còn gọi việc tuyên truyền thực dưỡng chữa bệnh là một tội ác.

Tiến sĩ Kỹ thuật y sinh Lê Anh Phương, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Ban khoa học, Ruy Băng Tím cũng đã có bài viết chia sẻ một cách cụ thể về chế độ thực dưỡng, cụ thể:

- Thực dưỡng có tên gọi khác là thực dưỡng Ohsawa. Người theo chế độ này sẽ ăn các thực phẩm chủ yếu là ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, rau, củ quả. Hạn chế ăn thịt.

- Thực dưỡng được giới thiệu vào thế kỷ 18 bởi bác sĩ người Đức Christophe Hufeland. Được phổ biến rộng rãi vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật George Ohsawa. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, một số biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở những người đang theo dõi chế độ ăn của Ohsawa. Sau đó chế độ ăn này sau đó bị bác bỏ.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Anh Phương khẳng định, đến nay chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chế độ thực dưỡng có hiệu quả trong chữa trị ung thư. Ngược lại chế độ ăn này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.

Sinh con tại nhà "thuận tự nhiên": Một hình thức đưa con người về thời mông muội!

Cuối tháng 12/2019, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp cấp cứu do tự sinh con tại nhà, bị rách tầng sinh môn, sót rau. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tư vấn cho sản phụ can thiệp y tế cần thiết (kiểm soát buồng tử cung, khâu tầng sinh môn, thuốc và vắc xin cho mẹ và con) nhưng gia đình hoàn toàn từ chối để sinh con tự nhiên.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên phải nhập viện cấp cứu vì sinh con tự nhiên. Năm 2018, Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên cũng đã cấp cứu thành công trường hợp sản phụ N.T.H (34 tuổi, ở Hưng Yên), bị vỡ tử cung do sinh con tại nhà. Bác sĩ đã lấy ra gần 2 lít máu loãng và máu cục, đồng thời buộc phải cắt tử cung hoàn toàn để cứu sống bệnh nhân.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 4.

Lê Nhất Phương Hồng (Người khởi xướng trào lưu sinh con thuận tự nhiên) bình luận về phương pháp sinh con thuận tự nhiên.

Trước đó, các phương pháp sinh con này đã được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa. Chị em được hướng dẫn cách tự sinh con tại nhà, đồng thời được tuyên truyền không cắt dây rốn sớm, giữ nguyên dây rốn tự rụng, ướp bánh nhau, chăm sóc chân rốn, diện chẩn cho mẹ băng huyết, thổi ngạt cho em bé, cấp cứu cho em bé ngay trên người mẹ…

Tuy nhiên, đây là một cách sinh nở cực kỳ nguy hiểm, được Bộ Y tế nhấn mạnh việc "sinh con tại nhà" là phản khoa học có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn.... thậm chí, có thể gây tử vong cho mẹ và con nếu không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 5.

Bộ Y tế nhấn mạnh việc "sinh con tại nhà" là phản khoa học.

Bác sĩ Diêm Thanh Thuỷ (Trưởng khoa Sản theo yêu cầu, BV Phụ sản Hà Nội) đánh giá việc sinh nở thuận tự nhiên là một hình thức đưa con người về thời kỳ mông muội, có thể phải đối mặt với các tai biến sản khoa bất cứ lúc nào.

Anti vắc xin, dùng sữa mẹ trị bách bệnh cho trẻ nhỏ

Thời gian gần đây, trào lưu anti vắc xin "lây lan" như một bệnh dịch trên mạng xã hội, theo những người tuyên truyền: Vắc xin không hiệu quả để tiêm vào người, vắc xin có thể gây dị ứng, vắc xin có thể có tác dụng ngược, khiến bạn nhiễm bệnh…

Thay vào đó, nhiều bậc phụ huynh tự biến mình thành người nguyên thủy khi cho rằng "Chỉ có sức đề kháng của cơ thể mới là vắc xin tốt nhất" và "Sữa mẹ có thể trị được bách bệnh".

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 6.

Lời tuyên truyền sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ khỏi virus tiêu chảy rota, tốt hơn uống ngừa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại bệnh truyền nhiễm đã cướp đi tính mạng của nhiều người nhưng nhờ có vắc xin, điều này đã được giảm đi đáng kể. Nếu tiêm chủng không còn tồn tại, sẽ có 3 triệu người chết mỗi năm vì dịch bệnh. WHO cũng đã liệt kê trào lưu chống vắc xin là một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Bên cạnh việc anti vắc xin, rất nhiều phụ huynh coi sữa mẹ như một liều thuốc quý, bệnh nào cũng có thể chữa cho trẻ sơ sinh và thậm chí, sữa mẹ còn có tác dụng tốt hơn cả tiêm phòng.

Mặc cho trước đây đã từng có nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì trị bệnh bằng sữa, thế nhưng đến nay vẫn có những mẹ mù quáng làm theo.

Đầu tháng 6/2018, bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận và xử trí một trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Sơn La nhập viện trong tình trạng phù nề, giác mạc mắt trái bị hoại tử toàn bộ. Các bác sĩ kết luận bệnh nhi không thể điều trị nội khoa, không thể ghép giác mạc, buộc phải khoét bỏ, lắp mắt giả. Nguyên nhân đến từ việc gia đình nhỏ sữa mẹ trực tiếp vào mắt bé để trị đỏ mắt trái. Sau 1 tuần thấy mắt trẻ sưng nề, gia đình đã đưa lên bệnh viện huyện khám và ngay lập tức chuyển lên bệnh viện Mắt Trung ương.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 8.

Được biết, trước đó, vào tháng 11/2017, bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bé sơ sinh bị hỏng mắt do nhỏ sữa mẹ và em bé này cũng ở Sơn La.

Bác sĩ Nhi khoa Phí Văn Công cho hay, sữa mẹ tuy giàu dinh dưỡng, chứa kháng thể và vô trùng. Tuy nhiên, nó chỉ đơn thuần là thức ăn chứ không phải là dược phẩm nên không hề có tác dụng chữa bệnh. Hơn nữa, sữa chỉ vô trùng khi nằm trong bầu vú mẹ, nếu vắt rồi để ở môi trường tự nhiên, không bảo quản đúng cách thì chỉ sau một thời gian ngắn, các loại vi sinh vật (vi trùng, siêu vi trùng, vi nấm...) nhanh chóng phát triển như những loại thực phẩm khác và có thể gây ra các biến chứng nặng.

2019 bùng nổ toàn trào lưu trị bệnh “quái đản”: Bác sĩ bất bình, dân vẫn cứ “chết trong mù quáng”  - Ảnh 9.

Có lẽ chẳng quá lời khi gọi những thứ bên trên là trào lưu "kỳ quái" bởi nó vô lý, nguy hiểm và phản khoa học. Thế nhưng, vì thiếu hiểu biết hay vì những lý do đặc biệt nào đó, nhiều người vẫn lao theo mặc kệ những hiểm họa về tính mạng mà mình có thể nhận được. Trước tình trạng rất nhiều trào lưu nguy hiểm bộc phát như hiện nay, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo, nếu mắc bệnh thì phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

ĐỖ ĐỖ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh