CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

94,82% ĐBQH tán thành Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Kết quả biểu quyết cho thấy 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

 94,82% ĐBQH tán thành Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể Quốc hội thông qua Nghị quyết EVFTA, Nghị quyết EVIPA, và Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO sáng nay, có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.

Phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Đồng thời, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Giàu cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức do đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Công ước số 105 có hiệu quả.

Về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XIVvà bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Ngoài khái niệm về cưỡng bức lao động tại khoản 7 Điều 3 và quy định cấm cưỡng bức lao động tại khoản 2 Điều 8, Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định cụ thể nhằm phòng, chống lao động cưỡng bức tương ứng với các trường hợp theo hướng dẫn của ILO, được quy định cụ thể tại: Điều 17; Điều 35; Điều 102; Khoản 2 Điều 107 ; Điều 124; Điều 127 của Bộ luật Lao động 2019.

 95,24% ĐBQH tán thành Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105

Thêm nữa, đối với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tại Điều 297 quy định về Tội cưỡng bức lao động; điểm b khoản 1 Điều 150 quy định về Tội mua bán người; điểm b khoản 1 Điều 151 quy định về Tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với các trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận người để cưỡng bức lao động.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc bổ sung quy định tội danh mới trong Bộ luật Hình sự đánh dấu bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc loại bỏ lao động cưỡng bức.

Về chế tài hành chính, theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng đã có quy định về chế tài hành chính đối với các hành vi vi phạm cụ thể nêu trên.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa hơn nữa một số hành vi lao động cưỡng bức để thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và góp phần vào việc thực hiện hiệu quả tinh thần Công ước số 105.

Ông Giàu cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về lao động của phạm nhân trong trại giam tại điểm d khoản 2 Điều 27, khoản 1 Điều 33 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Theo Công ước số 29 của ILO, lao động của phạm nhân là một trong năm trường hợp ngoại lệ không coi là lao động cưỡng bức.

Và cũng theo Công ước số 29, nghĩa vụ lao động của phạm nhân là kết quả, hệ lụy xuất phát từ phán quyết của Tòa án.

"Nghĩa vụ lao động của phạm nhân không nhất thiết phải được quyết định tại bản án của Tòa án mà có thể theo quy định của pháp luật sau khi có bản án kết tội của Tòa án, trong trường hợp của nước ta là Luật Thi hành án hình sự", ông Giàu nói.

Về vấn đề trên, ông Giàu cũng thông tin, theo chuyên gia của ILO tại Việt Nam, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của Tòa án; việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân.

"Với 3 điều kiện trên, lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 của Công ước số 29", ông Giàu nhấn mạnh.

 95,24% ĐBQH tán thành Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc Trình bày dự thảo Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO

Có ý kiến đề nghị xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi Công ước số 105; đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Công ước số 105 đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, đó là doanh nghiệp, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Công ước, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước số 105 đến người lao động, doanh nghiệp.

Đồng thời phân công rõ trách nhiệm và có lộ trình cho các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Công ước, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động khi triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời

Sau khi Quốc hội nghe Báo cáo Tiếp thu, giải trình về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, sáng nay, với tỷ lệ tán thành cao (458/460 phiếu tán thành), Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO.

Theo đó, Quốc hội Việt Nam, Gia nhập Công ước số 105 được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1957 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 điều, và được áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105;

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Đáng chú ý, tại phiên họp thông qua Nghị quyết EVFTA, Nghị quyết EVIPA, và Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO sáng nay, có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.

Nội dung phiên toàn thể nafy của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi.



Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh