9 cách bố mẹ giúp con đối phó khi bị bắt nạt ở trường học
- Y học 360
- 14:01 - 16/07/2020
Bắt nạt có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, có thể là hành vi (đánh đập); bằng lời nói (miệt thị, đe dọa) hoặc tấn công về tâm lý, cảm xúc (lan truyền tin đồn, cô lập).
Với sự phát triển của mạng xã hội, hành vi bắt nạt trẻ em có thể xảy ra ngoài giờ học thông qua email, tin nhắn và bài đăng trên Facebook.
Những hành vi này gây tổn thương về thể chất lẫn tâm lý trẻ. Bước đầu tiên để đối phó với tình trạng này là bạn phải nhận biết dấu hiệu khi con mình bị tấn công.
"Các triệu chứng bắt nạt điển hình là con bạn lo lắng, sợ hãi và không muốn đến trường", Steven Pastyrnak, Tiến sĩ, Trưởng khoa Tâm lý tại một bệnh viện ở Mỹ nói.
Tiến sĩ Pastyrnak khuyên đặt câu hỏi để tìm hiểu về tình hình của con bạn. Đồng thời, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm qua những người bạn thân của con.
"Khi biết chuyện, cha mẹ sẽ tức giận hoặc thất vọng nhưng trẻ em không cần bạn phản ứng thái quá. Con cần bạn lắng nghe, trấn an và hỗ trợ. Hãy thể hiện là người ổn định, mạnh mẽ và có thể giúp đỡ con trong mọi tình huống", chuyên gia nói.
Dưới đây là những cách đối phó vấn nạn bắt nạt ở học đường:
Ngăn chặn sự bắt nạt trước khi nó bắt đầu
Bạn nên chuẩn bị một số biện pháp để trẻ đối phó khi bị bắt nạt. Ví dụ hướng dẫn con cách nói để ngăn chặn hành vi trên như: "Để tôi yên", "Dừng lại ngay”…
Bạn cũng nên có kịch bản nhập vai "Chuyện gì xảy ra nếu con bị bắt nạt". Cụ thể, bạn có thể đóng vai kẻ bắt nạt trong khi con bạn thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi bé cảm thấy tự tin xử lý các tình huống rắc rối.
Khi bạn nhập vai, hãy dạy bé nói bằng giọng mạnh mẽ. Chắc chắn rên rỉ hoặc khóc sẽ chỉ khuyến khích kẻ bắt nạt.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực
Đến 3 tuổi, con bạn đã sẵn sàng học các thủ thuật để có thể bảo vệ bản thân. Hãy giúp con thực hành cách nhìn thẳng và lên tiếng ngăn chặn khi có người khác đang làm phiền con.
Thay vì có thái độ buồn, sợ hãi hãy khuyên con chuyển sang dũng cảm, tự tin nếu đang bị làm phiền.
Giữ liên lạc với con thường xuyên
Kiểm tra con mỗi ngày về mọi thứ đang diễn ra ở trường. Sử dụng giọng điệu điềm tĩnh, thân thiện để con không ngại nói với bạn nếu có gì đó không đúng. Nhấn mạnh rằng sự an toàn và hạnh phúc của con rất quan trọng và con phải luôn nói chuyện với người lớn về bất kỳ vấn đề nào.
Xây dựng sự tự tin của con
Con bạn càng cảm thấy tốt hơn về bản thân, khả năng bắt nạt sẽ ít ảnh hưởng đến trẻ. Khuyến khích sở thích, hoạt động ngoại khóa và các tình huống xã hội mang lại điều tốt nhất cho con bạn.
Tôn vinh sức mạnh của trẻ và khuyến khích kết nối lành mạnh với người khác có thể tăng sự tự tin lâu dài của trẻ, ngăn ngừa mọi tình huống bắt nạt tiềm ẩn.
Khen ngợi tiến bộ
Nếu con bạn đang bị bắt nạt, hãy nhắc nhở rằng đó không phải là lỗi của con. Con không cô đơn vì bố mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Khi con bạn nói với bạn cách con đối phó với kẻ quấy rối, hãy cho con biết bạn rất tự hào. Nếu bạn chứng kiến một đứa trẻ khác đối phó với kẻ bắt nạt trong công viên, hãy giúp con học tập, tham khảo.
Dạy đúng cách để phản ứng
Trẻ em phải hiểu rằng những kẻ bắt nạt có nhu cầu thể hiện quyền lực, kiểm soát người khác và mong muốn làm tổn thương mọi người.
Đừng thưởng cho kẻ bắt nạt bằng nước mắt. Kẻ bắt nạt muốn làm tổn thương cảm xúc của bạn, vì vậy hãy tự tin, bình tĩnh khi bị tấn công bằng lời nói.
Ví dụ, khi kẻ bắt nạt gọi bạn là "béo", hãy nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói một cách bình tĩnh: "Bạn biết đấy, tôi cần phải bắt đầu tập thể dục nhiều hơn". Sau đó tự tin bước đi.
Báo cáo tình trạng bị bắt nạt
Nếu con bạn không muốn báo cáo về sự bắt nạt, hãy đi cùng với con để nói chuyện với giáo viên, hiệu trưởng trường học. Khi cần thiết, hãy nhờ sự giúp đỡ của những người khác bên ngoài trường, như chuyên gia hoặc cảnh sát.
Ngoài ra, bạn cũng nên đề xuất việc đưa các chương trình chống bắt nạt và chống bạo lực vào chương trình giảng dạy của trường.
Khuyến khích con chống lại hành vi sai
Bạn nên hướng con có hành động tích cực khi nhìn thấy một người bạn hoặc học sinh khác bị bắt nạt.
Hỏi con bạn cảm giác thế nào khi có ai đó đứng lên bảo vệ mình và khuyến khích con đứng lên bảo vệ bạn bè khi họ bị tấn công.
Liên lạc với cha mẹ của người bắt nạt
Đây là cách tiếp cận đúng đắn chỉ dành cho những hành động đe dọa dai dẳng và khi bạn cảm thấy những phụ huynh này sẽ sẵn sàng hợp tác với bạn. Gọi điện hoặc gửi email cho họ bày tỏ mong muốn của bạn là cùng nhau giải quyết vấn đề.