8 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2019
- Tây Y
- 22:49 - 23/12/2019
Hà Nội tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội ngày 27-28/2, sau nhiều đồn đoán về địa điểm tổ chức.
Việc trở thành nhà tổ chức cuộc gặp lịch sử cho thấy Việt Nam nhận được sự tin cậy của cả hai nước Mỹ - Triều về năng lực hậu cần, an ninh trong vai trò trung gian thúc đẩy hoà bình quốc tế. Các sự kiện của cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo đúng lịch trong hai ngày. Hà Nội đáp ứng nơi ở cho 1.500 người của đoàn Mỹ, 220 người của đoàn Triều Tiên và khoảng 3.000 phóng viên nước ngoài.
Dù không đạt thỏa thuận, lãnh đạo hai nước đều rời đi với thái độ thân thiện. Ông Trump ca ngợi Việt Nam là "nơi tuyệt vời" còn ông Kim cảm ơn sự "đón tiếp nồng hậu, chu đáo của Việt Nam".
Giới quan sát cho rằng Việt Nam đã thể hiện uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, chứng minh được tính đúng đắn của chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, là bạn bè tin cậy với tất cả các nước. Việt Nam cũng tạo ấn tượng là một điểm đến kinh doanh, du lịch của thế giới.
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU, là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6% một năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư và sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam. Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.
Sau ký kết, Việt Nam và EU vẫn đang trong quá trình chờ Nghị viện EU và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, để các hiệp định này được thực thi.
Hơn nửa năm sau khi khởi tố vụ án nâng giá Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) để bán cho MobiFone khiến nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng, ngày 23/2, Bộ Công an khởi tố, bắt hai cựu bộ trưởng Thông tin Truyền thông là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Ông Son bị cáo buộc là chủ mưu vụ án, đã nhận hối lộ 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng), ông Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4,4 tỷ đồng) từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Cùng tội danh nhận hối lộ còn có cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà (2,5 triệu USD, tương đương 57 tỷ đồng), cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải (500.000 USD, hơn 11 tỷ đồng).
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, hai cựu bộ trưởng cùng bị bắt vì tội Nhận hối lộ trong một vụ án. Cả hai ông bị truy tố theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Trước vành móng ngựa, ông Trương Minh Tuấn nói, việc bị kết tội Nhận hối lộ là "nỗi nhục", ảnh hưởng uy tín cán bộ công chức ngành thông tin truyền thông. "Phiên toà này có thể kết thúc nhưng toà án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Đó là điều đau khổ nhất".
Liên quan vụ án còn 12 người khác bị xét xử, trong đó có 7 lãnh đạo cấp cao của MobiFone. Vụ án một lần nữa chứng minh cho tinh thần "đốt lò" chống tham nhũng "không có vùng cấm" của người đứng đầu Đảng.
Từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2, trong vòng bảy tháng, tả lợn châu Phi phủ khắp 63 tỉnh, thành. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đây là dịch bệnh lịch sử, làm suy giảm ở mức chưa từng thấy với ngành, buộc Việt Nam phải xem xét lại chiến lược 10 năm chăn nuôi. Bệnh dịch khiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,7% thay vì mức 3,5-4% như dự báo trước đó.
Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 325.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Tổng thiệt hại đến nay chưa thể đo đếm hết.
Việc thiếu hụt sản lượng đẩy giá thịt lợn tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng. 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu gần 100.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 101% về lượng và tăng gần 95% về trị giá.
Trước nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, Chính phủ dự kiến tiếp tục nhập khẩu thịt lợn và tổ chức các biện pháp bình ổn giá. Các mặt hàng khác như thủy sản, gia cầm, trứng, trâu bò... được chuẩn bị để bù đắp cho việc thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán.
Loạt sự cố môi trường ở Hà Nội
Tối 28/8, đám cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình) đã giải phóng thủy ngân từ hàng triệu bóng đèn ra môi trường. Không có người tử vong, nhưng việc nhà kho nằm giữa khu dân cư đông đúc bậc nhất quận Thanh Xuân đã khiến hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng.
Sau đám cháy, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều đánh giá bất nhất về việc không khí nhiễm độc thuỷ ngân, đẩy người dân vào tình cảnh hoang mang. Trong khi chờ kết luận chính thức, cả trăm hộ dân đã tự sơ tán, nhiều trường cho học sinh nghỉ học. Cả nghìn người đổ đến bệnh viện khám sức khoẻ khiến Sở Y tế Hà Nội phải đưa bác sĩ đến các khu dân cư khám, xét nghiệm miễn phí nhằm giải toả căng thẳng.
Nửa tháng sau, ngày 12/9, việc tẩy độc nhà kho Rạng Đông mới được thực hiện. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định các thông số về chất lượng không khí, môi trường quanh khu vực đã an toàn.
Mối lo thủy ngân vừa lắng, ngày 10/10, khoảng 280.000 hộ dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... lại ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nước sạch.
Nguồn nước khe suối ở Hòa Bình bị đổ 9 tấn dầu thải. Dầu lan vào kênh dẫn nhà máy sản xuất nước sạch Sông Đà rồi chảy về vòi nước sinh hoạt các khu dân cư. Nhà máy Sông Đà phải cắt nước để súc rửa đường ống, các khu đô thị, gia đình phải thau bể chứa.
Thành phố phải chở nước sạch từ các nhà máy khác đến ứng cứu khu vực nước nhiễm bẩn. Người dân xếp hàng cả đêm hứng nước từ xe téc như thời bao cấp, nước đóng chai bị vơ vét ở hầu hết siêu thị là cảnh tượng diễn ra suốt một tuần từ 15 đến 22/10.
Sau hai sự cố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thừa nhận thành phố đã bối rối, phản ứng chậm vì chưa có quy trình ứng phó cụ thể. Các sự cố cũng để lộ khoảng trống trong chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nhà máy trong khu dân cư và bảo vệ an ninh nguồn nước.
Việt Nam thành cường quốc tại SEA Games 30
Giành 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng, Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn sau chủ nhà Philippines, đồng thời bỏ xa các cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Bóng đá nam gây ấn tượng mạnh với thành tích bất bại, lần đầu đoạt huy chương vàng sau gần 30 năm hội nhập trở lại khu vực. Bóng đá nữ có huy chương vàng thứ sáu - thống trị tuyệt đối khu vực. Các môn Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, đấu kiếm... đóng góp 60% số huy chương vàng. Trong đó, điền kinh và bơi lập bốn kỷ lục đại hội. Võ tiếp tục là "mỏ vàng" của Việt Nam khi mang về 41 huy chương. Nguyễn Thị Ánh Viên đóng góp 6 huy chương vàng - nhiều nhất trong số các VĐV.
Những thống kê trên đã khắc họa một gương mặt hoàn toàn mới, đánh dấu sự trưởng thành của thể thao Việt Nam. Tại buổi tuyên dương các vận động viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thành tích ở SEA Games 30 là cú hích phát triển đất nước".
Cuộc vây bắt trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia Wu Heshan (quốc tịch Trung Quốc) tại quận Bình Tân (TP HCM) hôm 20/3 khép lại chuyên án 218LP của Bộ Công an, tổng trọng lượng ma túy thu là 1,1 tấn. Các kho ma tuý "khủng" khác cũng liên tiếp bị phát hiện ở vùng ven Sài Gòn và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Định...
Lượng tang vật "lớn chưa từng có", gấp 10 lần năm ngoái, được Bộ Công an xác định do các đường dây tội phạm nước ngoài vận chuyển từ Tam Giác Vàng (Myanmar) về Việt Nam tập kết, sau đó đưa đi các nước bằng đường biển.
Việt Nam đã trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý của thế giới từ Tam Giác Vàng. Trong đó, khoảng 20% tiêu thụ trong nước, 80% chuyển đi nước thứ ba như Đài Loan, Philippines, Malaysia, thậm chí cả châu Âu, châu Úc và Mỹ Latin. Các vụ án cũng cho thấy tội phạm xuyên quốc gia đã tìm thấy kẽ hở trong hải quan đường biển và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam để lập đường dây ma tuý đội lốt hoạt động xuất nhập khẩu.
Kỷ lục xuất siêu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng khoảng 472 tỷ USD và được dự báo vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12.
Việt Nam ghi nhận xuất siêu khoảng 11 tỷ USD, cao nhất từ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 242 tỷ USD, nhập khẩu xấp xỉ 231 tỷ USD. Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.
Đạt mức xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp nước ngoài với 167 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 4% so với cùng kỳ; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Đồng thời, việc tăng xuất sang một số quốc gia trong CPTPP như Canada, Mexico... cũng tạo đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Kết quả này là nỗ lực lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.