THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:57

8 nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế tập thể, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiềm năng kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn

Sáng 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và 10 năm thi hành Luật HTX, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX, nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới về chất và lượng, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

“Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Việc đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp thiết thực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Trong đó, chúng ta phải lấy con người là trọng tâm, mục tiêu và chủ thể của quá trình thực hiện chính sách này của Đảng. Cùng với đó là những lợi ích mà người dân được hưởng thông qua chủ trương lớn này của Đảng để qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Đội ngũ lao động đông đảo, có kinh nghiệm, cùng với hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, đặc biệt là ở khu vực nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy áp dụng công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại. Chúng ta có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần xác định những khó khăn, thách thức là nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ dẫn tới cạnh tranh, sức ép hết sức gay gắt.

Tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc tổ chức hội nghị ngay đầu năm mới cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã. Đánh giá cao những đóng góp to lớn của kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn thể hiện vai trò, dấu ấn trong mỗi quá trình lịch sử của đất nước.

“Với tinh thần đó, tại hội nghị này, các đại biểu đã đánh giá một cách toàn diện những kết quả, hạn chế cùng với nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và Luật Hợp tác xã trong giai đoạn tới. Việc thực hiện Nghị quyết đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, thể chế hóa và hiện thực hóa qua các đề án, chương trình hành động. Nhờ đó, nhận thức của người dân về xây dựng hợp tác xã kiểu mới để phù hợp với thực tiễn đã được nâng lên một bước. Đặc biệt, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, khắc phục được tình trạng yếu kém trước đây; đồng thời, khẳng định được tiềm năng, triển vọng cũng như dư địa phát triển trong thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chỉ ra những tồn tại đã kiềm chế sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung khắc phục những hạn chế này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam. Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường… Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, HTX.

HTX6

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thêm, trong lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính.

Về định hướng sửa đổi Luật HTX, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc sửa đổi phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích các chủ thể tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực…, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của nhân dân,

Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất HTX; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như tổ hợp tác, liên đoàn HTX. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng HTX. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các HTX. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp hoàn thiện các báo cáo, dự thảo trình cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh