8 hành động hủy hoại hôn nhân chẳng kém ngoại tình
- Y học 360
- 13:30 - 17/05/2018
Chồng chúi mũi vào điện thoại, máy tính... khi ở nhà có thể khiến người vợ ức chế, chán nản. Ảnh: eDrugstore.
Theo các nhà trị liệu tâm lý, ngoài ngoại tình, dưới đây là 8 hành vi có thể đặt hôn nhân ở bờ vực tan vỡ, theo Womansday.
Thường xuyên đi chơi thâu đêm với bạn bè
Có thời gian riêng cho bạn bè là điều cần thiết giúp mỗi vợ chồng giữ gìn sự cân bằng và tạo sự mới mẻ cho hôn nhân. Nhưng nếu một người quá thường xuyên đi chơi đêm với nhóm bạn của mình thì lại khiến bạn đời khó chịu và dễ gây mâu thuẫn gia đình.
Nên làm gì: Ở ngoài khuya là một mối lo cho người ở nhà. Giao tiếp và liên lạc là chìa khóa để tránh những phiền phức từ việc này.
Xem quá nhiều phim đen
Khi thấy bạn đời thường xuyên xem các hình ảnh này, người ta thường đặt câu hỏi "Tại sao". Vì cả hai xa cách về tình cảm, người kia nghiện phim đen hay chuyện chăn gối của hai người trục trặc?
Nên làm gì: Nhất thiết cả hai nên trò chuyện với nhau về vấn đề này và hiểu rõ lý do. Nếu vợ/chồng làm vậy chỉ đơn thuần để thỏa mãn những thôi thúc về sex, thử gợi ý để cả hai cùng xem những phim tình cảm phù hợp. Nếu cả hai không thể chia sẻ với nhau hoặc có lý do sâu xa, hãy nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia.
Không thổ lộ cảm xúc
Mâu thuẫn nặng nề sẽ khiến cả hai mệt mỏi, nhưng không bao giờ tranh luận hay cãi cọ cũng là dấu hiệu của sự xa cách và bất đồng, gây hại cho hôn nhân.
Nên làm gì: Một số cuộc tranh cãi có thể cần thiết giúp hai người hiểu và biết điều chỉnh bản thân, mối quan hệ. Nếu không bao giờ tranh cãi, hãy đặt câu hỏi tại sao bạn lại phải tránh né chúng như vậy.
Giấu giếm các vấn đề về tiền bạc
Dù xấu hổ khi phải thừa nhận mình bị sa thải hay bị lừa, mắc nợ... đừng giấu giếm bạn đời những điều này bởi việc đó ảnh hưởng tới cả hai và có hại cho lòng tin tưởng lẫn nhau. Ngay cả khi chẳng có vấn đề gì giữa hai người thì tiền bạc đã là chuyện lớn có thể khiến mối quan hệ căng thẳng.
Nên làm gì: Hãy cởi mở và minh bạch - ngay cả khi việc đó dẫn tới một số căng thẳng tạm thời thì vẫn tốt hơn nhiều việc giữ bí mật khiến cả hai không còn tin nhau và dẫn tới những hệ lụy khó ngờ.
Liên lạc với người cũ
Đôi khi bạn có lý do chính đáng để giữ liên lạc với người cũ, chẳng hạn như cả hai vẫn chung nhóm bạn, làm cũng chỗ, có con với nhau... Nếu đúng như vậy, việc liên lạc này không hẳn là điều tệ với điều kiện bạn đời phải biết rõ mọi chuyện. Nếu không có lý do chính đáng, hãy cẩn trọng.
Nên làm gì: Nếu bạn phát hiện vợ chồng lén lút liên hệ với người cũ, hãy lên tiếng ngay. Nếu bạn thấy việc này vẫn chưa chấm dứt, hãy tư vấn thêm ý kiến của nhà tâm lý.
Liên tục xem điện thoại
Khi chồng hay vợ lúc nào cũng chăm chú trước màn hình máy tính, điện thoại, TV thì nó cho thấy họ không muốn gắn kết với bạn đời hoặc đang lẩn trốn nhau hay muốn giấu giếm điều gì đó. Cũng có một số người không có các ý trên nhưng lại có thói quen xấu này để giải trí sau ngày dài làm việc.
Nên làm gì: Nên để các phương tiện điện tử sang một bên khi mới trở về nhà và dành mọi sự chú ý cho bạn đời. Trò chuyện, ăn uống, ngồi bên họ. Những khoảnh khắc bên nhau hằng ngày này là điều cần thiết để duy trì tình cảm.
Say xỉn
Nếu người chồng thường xuyên ra ngoài nhậu nhẹt và nửa đêm mới về nhà trong tình trạng say xỉn, mối quan hệ của hai người có thể ngày càng xấu đi.
Nên làm gì: Cần phải đối mặt với tình huống này. Nếu cảm thấy trong lòng bất an, hãy nói chuyện với bạn đời, bày tỏ nỗi lo lắng và tìm hiểu xem việc gì đang diễn ra.
"Ngoại tình" với công việc
"Vợ/chồng mình đang có quan hệ ngoài luồng và lấp liếm bằng cách nói phải làm việc muộn" là suy nghĩ thường xuất hiện khi bạn đời thường xuyên vắng nhà. Mặc dù đây có thể là một khả năng, có nhiều lý do khác khiến "nửa kia" luôn lấy cớ bận việc. Chẳng hạn: có gì đó khiến họ cảm thấy không thoải mái khi ở nhà, như hay bị chỉ trích, so sánh, khinh thường. Cũng có thể họ đang cố lảng tránh chuyện thân mật.
Nên làm gì: Đầu tiên, hãy chuyển tải để bạn đời hiểu bạn cảm thấy bị phớt lờ khi anh hay cô ấy luôn lấy cớ bận việc để bỏ bê gia đình. Đừng tấn công, chỉ trích nếu bạn không muốn càng đẩy vợ/chồng mình ra xa. Một cách để thực hiện việc này là nói về tầm quan trọng của bạn đời với bạn. Điều thứ hai cần làm là cởi mở tìm hiểu nguyên nhân (mà không phán xét hay tỏ ra phòng vệ) về điều khiến vợ/chồng mình không thoải mái khi ở nhà. Cố gắng giải quyết vấn đề mà không đổ lỗi.