8 điều rất nhỏ nhưng đủ nói lên một người là ai và là người như thế nào
- Bác sĩ
- 20:14 - 14/07/2020
Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Parent coach Linh Phan ngoài những bài viết về cách giáo dục con cái, chị cũng thường xuyên chia sẻ những bài học cuộc sống, những bài học đối nhân xử thế hay những kinh nghiệm rút ra từ chuyện công sở...
Bài viết mới đây của chị về cách ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống đã nhận được nhiều sự ủng hộ.
"1. Cách một người đối xử với nhân viên của họ, hay là cách một người đối xử với những người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ thực phẩm... nói cho mình rất nhiều những gì cần biết về họ. Cách họ đối xử với những người này thực tế sẽ giống như cách họ đối xử với những người khác. Tại sao? Bởi vì khi bạn làm với nhân viên phục vụ, bạn ở vị trí tối thượng. Bạn có nhiều quyền lực hơn, dễ áp đặt hơn, dễ lạm quyền hơn. Nếu bạn đối xử với những người này tệ nhưng lại có sự khác biệt hoàn toàn với những người ở cấp độ cao hơn bạn thì điều đó có thể thấy bạn ít có sự chính trực, thiếu sự đồng cảm thậm chí tự trọng bởi vì "tự trọng" sẽ không phải là hành động như thể mình ở trên cơ người khác.
2. Cách một người nói cảm ơn, vui lòng hay xin lỗi. Khi bạn phải đối mặt với những người có mức độ lịch sự cơ bản và nói thường xuyên cảm ơn hay vui lòng, nên biết rằng có thể bạn đang làm việc với một người có khả năng tốt về kỹ năng xã hội. Chúng ta không phải cố gắng quá nhiều nhưng sự thật là có những người không biết được cách cư xử cơ bản.
3. Cách một người đi đứng, hay còn gọi là tác phong. Họ đứng thẳng lưng hay xuôi vai? Họ đi bộ chậm rãi khoan thai nhưng đĩnh đạc? Hay là trông có vẻ lười biếng, lết trên đôi dép vào tạo ra tiếng loẹt quẹt? Hay là họ lúc nào cũng vội vàng? Mình từng gặp nhiều người có dáng đi rất đẹp, cách họ đi tự tin khi bước vào những môi trường khác nhau. Nó vừa thân thiện, mạnh mẽ, vừa thu hút sự chú ý. Có một nghệ thuật mình từng đọc ở đâu đó gọi là "doorway technique": khi chuẩn bị bước vào một căn phòng, hãy đứng thẳng, tự mình đứng dậy và chuẩn bị bước vào phòng một cách tự tin.
4. Cách một người phản ứng với những áp lực nhẹ trong các tình huống xã hội. Áp lực nhẹ là những tình huống nhỏ có thể gây ra xung đột. Chẳng hạn như bị một người chen ngang khi đang xếp hàng không có lí do. Hay là khi nhân viên phục vụ nghe nhầm và gọi nhầm món ăn cho bạn... Cách họ tăng dung lượng giọng nói, thô lỗ... có thể nói cho người khác hiểu nhiều hơn về họ. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống va chạm nhỏ trong cuộc sống, có lẽ chẳng nên quá bận tâm hay phải gay gắt nếu nó không phải là điều gì quá quan trọng. Phải không?
5. Cách một người phản ứng với sự may mắn của người khác. Cách đây chục năm khi làm ở công ty cũ, mình là nhân viên duy nhất vừa vào thử việc đã được tăng lương trong review tăng lương định kỳ của công ty (thông thường phải là nhân viên 1 năm làm việc mới được xét duyệt). Có một số người bàn ra tán vào xoay quanh việc này (dù mình chẳng có ô dù gì và mức tăng thì cũng chẳng đáng là bao). Lúc đó cũng có buồn (vì còn trẻ mà) nhưng nghĩ một cách tích cực thì thái độ những người ủng hộ hay ghen tị với mình đều đã giúp mình nhận ra nhiều điều về họ.
6. Cách một người đóng khung trách nhiệm và những thách thức của họ. Một người chỉ làm đúng công việc của mình là xong, hay luôn nỗ lực tìm ra những cách thức mới, hay học những kỹ năng mới để hoàn thiện bản thân và phục vụ tốt hơn cho công việc? Một người chỉ quan tâm tới phạm vi trách nhiệm và công việc của mình hay luôn sẵn sàng hỗ trợ những người khác, vượt ngoài trách nhiệm của họ? Cách bạn nhìn thấy hay nghe một người nói về những thách thức và trở ngại, bạn sẽ thấy họ đang nhìn cuộc sống tích cực hay tiêu cực.
7. Cách một người phản ứng và tranh luận về một vấn đề hay quan điểm trái ngược với niềm tin của họ.
8. Cách một người phản ứng với trẻ em và động vật nuôi (nhất là chó). Trẻ con chú ý tới biểu cảm khuôn mặt của người lớn và có những rung cảm nhất định với những phản ứng tích cực từ người lớn. Mình vẫn luôn có cảm giác tin tưởng với những người biết yêu thương động vật và biết nựng trẻ em, nhất là đàn ông.
Cuối cùng, mình muốn nói là: Nếu bạn chịu tập trung vào chính mình và quan sát người khác, bạn sẽ nhận ra rất nhiều thứ bạn có thể sử dụng để tạo ra được sự chú ý và thay đổi cách bạn cư xử theo chiều hướng tốt đẹp hơn với những người xung quanh."
Tương tự, từ những điều nhỏ ở trên, chị Linh Phan cũng "nhắc khéo" những điều mà mọi cha mẹ nên dạy và làm gương cho con cái mình:
1. Dạy con đối xử công bằng với mọi người: không chê bai, body-shaming, không phân biệt chủng tộc/giới tính/giàu nghèo/đẳng cấp xã hội... Bản thân bố mẹ cũng nên đối xử công bằng với con, không lạm quyền, không áp đặt thái quá.
2. Dạy con rằng nghề nghiệp nào trong cuộc sống cũng đều tạo ra những giá trị và mỗi người có những lựa chọn khác nhau mà chúng ta phải tôn trọng điều đó.
3. Biết nói cảm ơn, xin lỗi và xin phép trước khi làm một điều gì đó không nằm trong giới hạn con được phép.
4. Cách con đi đứng: con gái thì nên đi thẳng hàng (đừng đi chữ v), con trai thì nên thẳng lưng, thẳng vai mắt nhìn lên...
5. Cách hành xử khi vấp phải những xung đột nhỏ ngoài xã hội: từ tranh cướp đồ chơi, gây gổ, xếp hàng, tha thứ cho sai lầm của người khác...
6. Cách hành xử có trách nhiệm với những nhiệm vụ của bản thân (từ tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, dọn đồ chơi, chuẩn bị đồ ăn, dọn bàn ăn, làm việc nhà...) và dám đối mặt với các khó khăn.
7. Cách đưa ra quan điểm và chứng minh quan điểm nhưng không phán xét người khác.
8. Cách đồng cảm yêu thương đồng loại và vật nuôi, cách sống thân thiện với môi trường.