8 điều răn đe của thầy dạy lái khiến tôi nhớ mãi
- Công nghệ mới
- 17:31 - 20/11/2018
Khi học lái xe thì tôi đã qua 40 tuổi, còn thầy tôi, cuối năm ấy sẽ về hưu. Thầy hơn tôi đúng một thế hệ. Khi làm việc, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi tình cảm mà thầy dành cho học trò, đặc biệt, chúng tôi là lứa cuối cùng thầy dẫn dắt trước khi về hưu.
Điều đó tác động mạnh đến thái độ học tập của chúng tôi và có lẽ nhờ đó, chúng tôi học khá dễ dàng. Cũng có thể, lớp tôi học là ở một trường trung cấp chuyên nghiệp và phần lớn học viên của lớp là học sinh trung cấp nghề nên mọi người học nghiêm túc hơn các trường dạy lái tư nhân.
Thầy nói: "Nếu trước đây ai đã từng tập lái với người khác và có lái nhiều rồi đi chăng nữa thì những gì 'biết rồi' mà khác với lời tôi hôm nay thì nên theo lời tôi. Vì tôi dạy lái ra kiếm cơm chứ không dạy mẹo để có bằng".
Có quá nhiều thứ mà thầy đã nhắc nhở chúng tôi, nhưng tôi chỉ có thể gửi đến các bạn những gì tôi ấn tượng nhất.
Yêu cầu đầu tiên thầy đặt ra cho chúng tôi là phải điều khiển được cái xe hoàn hảo. Lái xe là "đi đường" chứ không phải chỉ "điều khiển cái máy!". Vì thế, muốn ra đường thì mình phải hoàn toàn làm chủ cái máy như chính tay chân của mình chứ không phải điều khiển một thứ "ngoài cơ thể". Muốn vậy, tất cả các kỹ năng phải tập sao cho ra đường chỉ còn nhìn đường và đi vào chỗ cần đi chứ không còn lo lúc nào ga, lúc nào côn, phanh. Vì những thứ đó là "tự động" cái chân nó biết chứ không còn là cái đầu nữa.
1. "Lái xe là để đi đến nơi về đến chốn chứ không phải để giỏi hơn người khác, muốn giỏi thì vào trường đua chơi". Vì vậy, "Ai đi nhanh hơn mình, mặc kệ! Ai đi sai luật, có công an lo. Mình chỉ lo mình đi đúng luật và an toàn cho mình và cho người khác. "Anh hùng xa lộ" không có bằng Tổ quốc ghi công.
2. Đặt ra luật là để tránh tai nạn, nên đi sai luật dễ xảy ra tai nạn hơn. Mà nếu đi sai luật xảy ra tai nạn thì tất cả mọi "mũi dùi" chĩa vào mình. Đừng tự đặt mình lên lên bếp lửa cho người khác... luộc.
3. Khoảng cách an toàn là để nếu xe trước có tai nạn với xe đối diện, dừng ngay lập tức giữa đường thì mình cũng phanh kịp mà không ủn vào đuôi chứ không phải "người ta đỏ đèn, mình phanh, cùng nhau giảm tốc và cùng dừng là an toàn", sai lầm chết người là chỗ suy nghĩ đó. Vì vậy, hãy nhớ ra quốc lộ thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.
4. Đã uống rượu thì không lái xe, vì dù nhẹ nhất là quẹt mũi xe vào cổng thôi thì tiền đồng sơn đã nhiều hơn tiền gửi xe và tiền xe ôm đi về cộng lại.
5. Thời điểm khởi hành và thời điểm dừng xe là hai thời điểm có nguy cơ xảy ra những tai nạn "bất ngờ" hoặc "ngớ ngẩn" nhất, vì thế phải thật cẩn thận trước khi cho xe lăn bánh và trước khi tấp vào lề.
6. Đừng bao giờ để xe hết xăng, khô nước giữa đường. Điều đó đồng nghĩa với một tài xế tồi, vô trách nhiệm với công việc (vì thầy nghĩ tất cả chúng tôi đi lái thuê).
7. Đừng "cương" với xe đối diện. Nếu thấy có nguy cơ tai nạn thì trước hết là phanh lại nhường, hoặc nguy lắm thì đánh lái tránh (nếu được) chứ đừng tin xe đối diện nó sẽ tránh mình. Biết đâu lái xe "xỉn" thì dù diêm vương xử cho mình thắng kiện mình cũng không sống lại được.
8. Nói chung là còn rất nhiều, nhưng hồi đó chưa có cao tốc nên chưa có hiện tượng "chiếm làn trái" và thầy không nhắc đến.
Đến nay, nghĩ lại tôi chỉ thấy ngoài đường người ta thực hiện được cái điều 8 thôi. Oái ăm thay, bây giờ xe tông từ phía sau tới thì chắc thầy cũng "bó tay" không biết dạy trò làm gì cho tránh được.
Còn những điều khác thì phần lớn lái xe làm khác với những gì thầy tôi nói. Không lẽ thầy của họ dạy khác. Tôi cho rằng không đâu, nếu thầy họ không dạy giống thầy tôi thì chí ít cũng không dạy họ làm ngược lại.
Có nhiều trường hợp, khi tai nạn xảy ra, lúc nào cũng có người bình luận "Xem lại chất lượng đào tạo". Với bài viết này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến thầy dạy lái xe của tôi, người đã dạy cho tôi mọi kỹ năng cần thiết để tự tin điều khiển chiếc xe như chính tay chân của mình. Cũng mong các lái xe trước khi đổ lỗi cho việc đào tạo cần xem thầy của người gây tai nạn có dạy cho họ cách gây tai nạn hay không?